Truyền cảm hứng từ nghề thú y
Cô Nguyễn Thị Hoang (30 tuổi, ở xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn) giảng viên bộ môn Thú y, khoa Nông lâm nghiệp (Trường CÐ Cơ điện - Xây dựng và Nông Lâm Trung Bộ), là một trong ba nhà giáo vừa đạt giải ba tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024.
Đến với nghề đã gần 8 năm, chị luôn đặt mục tiêu nỗ lực hết sức cho những tiết dạy trên bục giảng, trong phòng thí nghiệm, các buổi thực hành… để truyền cảm hứng nghề cho học viên, sinh viên.
Theo đuổi ước mơ
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành chăn nuôi - thú y, rồi làm việc tại một DN nước ngoài trong lĩnh vực này, nhưng đến khi có cơ hội được đứng trên bục giảng, chị Nguyễn Thị Hoang nhanh chóng rẽ lối vì đây là ước mơ ngày bé.
• Chị có thể chia sẻ về khoảnh khắc nhận được lời đề nghị về công tác tại Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ?
- Nhận được lời đề nghị về làm giảng viên tại trường, tôi nhớ ngay đến ước mơ ngày bé của mình - trở thành một cô giáo, đứng trước rất nhiều học viên và truyền đạt những kiến thức, kỹ năng. Vì vậy, tôi nhanh chóng nắm bắt cơ hội, dù trong suốt thời gian làm việc tại DN, tôi vẫn đang làm rất tốt công việc của mình.
Hành trình trao truyền kiến thức, kỹ năng của bản thân có vui, có buồn nhưng đến nay, sau 8 năm gắn bó, tôi vẫn chưa từng hối hận.
Nhà giáo Nguyễn Thị Hoang (bìa trái) hướng dẫn học viên trong một tiết học. Ảnh: N.M
• Yêu cầu của giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn mới ngày một cao, chị xác định mục tiêu, phương châm với công việc như thế nào?
- Là một giáo viên trẻ, tôi luôn cố gắng phấn đấu, học hỏi để nâng cao kiến thức và kỹ năng, tiếp cận và thích nghi với sự phát triển của nền công nghiệp 4.0. Phương châm dạy học của tôi luôn lấy học viên, sinh viên làm trung tâm, tạo cho sinh viên luôn trong tâm thế chủ động học hỏi, truyền cảm hứng tích cực và định hướng nghề nghiệp đúng đắn, phù hợp nhất cho các em.
Để nâng cao nghiệp vụ sư phạm và tay nghề, trong suốt thời gian qua, từ khi mới bước chân vào trường, tôi vẫn luôn cố gắng học hỏi chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, trải nghiệm thực tế ở các trang trại chăn nuôi, các phòng khám thú y hay nhà máy thức ăn chăn nuôi... để nâng cao kiến thức, cập nhật kỹ năng mới.
• Chị vừa nhắc đến yếu tố mới trong giảng dạy, việc tiếp cận và thích nghi với sự phát triển của nền công nghiệp 4.0…
- Tôi tin là mỗi nhà giáo luôn trăn trở với suy nghĩ làm thế nào để giờ dạy của mình thu hút được sự chú ý của học viên, sinh viên, làm thế nào để các em có thể tự học tập hiệu quả… Và sự xuất hiện của công nghệ thông tin đã giúp tôi và các đồng nghiệp phần nào tháo gỡ những băn khoăn này.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học giúp giảng viên nâng cao tính sáng tạo và trở nên linh hoạt hơn. Tôi được làm giàu lượng kiến thức, học hỏi các kỹ năng sử dụng hình ảnh, âm thanh trong việc thiết kế bài giảng... Những thí nghiệm, tài liệu mang đến học viên, sinh viên đa dạng hơn, dễ tiếp thu hơn bởi kênh hình, kênh chữ, âm thanh sống động.
Hơn cả giải thưởng
Với 462 nhà giáo dự thi, việc lọt vào danh sách 150 nhà giáo đạt giải “có số” (giải nhất, nhì, ba) tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024 được xem là một thành tích tốt của các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp Bình Định. Song, mỗi nhà giáo lại cho rằng hành trình chinh phục Hội giảng và những bài học thu về còn giá trị hơn giải thưởng rất nhiều.
Nhà giáo Nguyễn Thị Hoang (bìa phải) và nhà giáo Phan Hùng Thiện (bìa trái), Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông Lâm Trung Bộ, cùng đạt giải ba tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024. Ảnh: N.M
• Giải ba tại hội giảng vừa qua có ý nghĩa như thế nào đối với chị?
- Tôi rất vui vì kết quả này. Nó thể hiện được sự cố gắng, nghiêm túc, không những của bản thân tôi, mà còn của cả tập thể nhà trường trong suốt thời gian qua.
• 3 năm đầu tư cho hội giảng các cấp (từ cấp khoa, cấp trường, lên cấp tỉnh, cấp quốc gia), chị đã có sự chuẩn bị như thế nào?
- Quá trình chuẩn bị cho hội giảng các cấp được tích lũy trong suốt quá trình giảng dạy, sự tìm tòi, cố gắng trau dồi về kỹ năng sư phạm và chuyên môn qua mỗi giờ giảng.
Vào những đợt cao điểm như 2 tháng trước thềm Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc vừa qua, chúng tôi dành nhiều thời gian, công sức hơn cho công tác thiết kế tiết giảng. Điều may mắn của chúng tôi là có sự đồng hành của Sở LĐ-TB&XH, các chuyên gia và ban giám hiệu nhà trường.
• Chị có thể chia sẻ về một số điểm đặc biệt trong tiết giảng dự thi?
- Tiết giảng dự thi của tôi tại Hội giảng toàn quốc lần này có tên: “Tầm soát bệnh ký sinh trùng đường máu ở thú cưng bằng kính hiển vi”.
Như đã nói ở trên, việc áp dụng công nghệ thông tin vào các tiết giảng được xem trọng và đánh giá cao nên tôi đã đầu tư, sử dụng, thiết kế học liệu số trong bài giảng, sử dụng công nghệ AI, sử dụng thiết bị thực hành có tính công nghệ phức tạp…
• Từ Hội giảng toàn quốc, chị gặt hái được những điều gì?
- Thông qua Hội giảng, tôi có dịp được học hỏi rất nhiều điều hay và mới mẻ từ những tiết giảng của trường bạn, từ phương pháp sư phạm đến kỹ năng nghề. Nhiều bài giảng có sự kết hợp chuyên nghiệp giữa kỹ năng sư phạm và chuyên môn của nhà giáo. Chẳng hạn, ở phần củng cố, vận dụng cuối bài, thay vì sử dụng như phương pháp truyền thống là giáo viên nêu câu hỏi và sinh viên trả lời, các giảng viên lồng ghép được việc ứng dụng công nghệ thông tin như quét mã QR, sử dụng phần mềm Ai là triệu phú…
Kết thúc hội giảng, chúng tôi lại quay về công việc hằng ngày, đó là những giờ lên lớp, những buổi thực hành...với mục tiêu mang lại những giờ học hiệu quả, giúp các em nắm vững kiến thức, giỏi kỹ năng. Đây mới là nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng tôi đặt ra trong suốt hành trình giáo dục nghề nghiệp của mình.
Đam mê là con đường dẫn đến thành công
Không chỉ giảng dạy kỹ năng nghề, cô Hoang luôn truyền cảm hứng cho học viên, sinh viên về tinh thần yêu nghề, lòng kiên trì và khát khao vươn lên trong cuộc sống. Với cô, thành công không chỉ là những giải thưởng, mà còn là sự trưởng thành và thành đạt của mỗi em.
• Thực hiện phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, nhiều học sinh đã chọn học nghề ở tuổi 15. Một số ý kiến cho rằng: Đây là độ tuổi “chưa chín” để lựa chọn nghề. Chị làm thế nào để giúp các em nhận thức, xác định đúng thái độ đối với nghề nghiệp, gắn bó bền vững với nghề?
- Nghề chăn nuôi - thú y là một trong những nghề có nhu cầu việc làm cao hiện nay. Đòi hỏi về tay nghề trong lĩnh vực này cũng cao không kém. Bên cạnh đó là sự yêu thích đối với động vật, sự cần cù, chịu khó trong công việc.
Ngay từ lúc bắt đầu môn học của bất kỳ lớp nào, tôi đều lắng nghe những suy nghĩ của các em đối với nghề. Từ đó, vạch ra những yêu cầu, định hướng nghề nghiệp phù hợp đối với từng em.
Tôi luôn muốn khơi gợi những điều mới mẻ, sự sáng tạo, giúp học viên, sinh viên phát huy được năng lực, trở thành người năng động, tích cực, phù hợp với yêu cầu của xã hội trong thời đại ngày nay.
• Động lực trên hành trình truyền lửa nghề chăn nuôi - thú y của chị sau 8 năm là gì?
- Có rất nhiều câu chuyện liên quan đến học viên, sinh viên và nó trở thành động lực cho tôi mỗi giờ lên lớp. Một trong số đó là kỷ niệm với người học trò trong lần đầu tiên tôi chủ nhiệm lớp, cũng là lúc tôi mới bước chân vào nghề.
Em sinh viên đó đã gặp riêng tôi và bảo em muốn nghỉ học. Sau khi nghe hết các lý do của em, tôi đã động viên em rất nhiều và định hướng về tương lai nếu em tiếp tục học tập hoặc dừng lại. Em suy nghĩ rất lâu và tiếp tục gặp riêng tôi để báo rằng em sẽ tiếp tục việc học. Em đã ra trường, đi làm theo đúng chuyên ngành đã học, lương tương đối khá. Thỉnh thoảng, em vẫn hay hỏi thăm và cảm ơn tôi.
Từ câu chuyện của em và những trải nghiệm của riêng mình, tôi thường chia sẻ với các thế hệ học viên, sinh viên sau này: Nếu các em đam mê, kiên trì theo đuổi, nhẫn nại vượt qua những áp lực, thách thức thì con đường phía trước sẽ luôn đầy hoa.
• Cảm ơn chị! Chúc chị tiếp tục gặt hái nhiều thành công trên hành trình truyền lửa nghề!
NGUYỄN MUỘI (Thực hiện)