Cần giải quyết hài hòa giữa đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp điện tử và công nghiệp bán dẫn
(BĐ) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 23.11, các ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định tham gia thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh góp ý về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Liên quan về vấn đề phát triển công nghiệp bán dẫn, theo ĐB Cảnh, dự án Luật có nêu công nghiệp bán dẫn phải đồng bộ với công nghiệp điện tử, hiện tại chúng ta đang đào tạo về lĩnh vực công nghiệp điện tử khá tốt. Tại các hội nghị, có nhiều ý kiến cho rằng phải có nguồn nhân lực công nghệ số thì mới kêu gọi được nhà đầu tư về công nghiệp bán dẫn. Còn nhà đầu tư thì yêu cầu chúng ta phải có nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn thì mới đầu tư. Do vậy, chúng ta phải giải quyết vấn đề này sao cho tốt, hài hòa.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh tham gia góp ý dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Ảnh Đoàn ĐBQH tỉnh.
Theo ĐB Cảnh, cần phải có quy hoạch đào tạo về lĩnh vực công nghiệp điện tử có hướng thiên về công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, chúng ta không nhất thiết thiên về đào tạo công nghiệp bán dẫn. “Chúng ta cứ đào tạo cho các em sinh viên tốt nghiệp xong đại học lĩnh vực công nghiệp điện tử, nếu các nhà đầu tư lĩnh vực công nghiệp bán dẫn không vào Việt Nam thì các em vẫn có việc làm, vẫn đi làm bình thường ở lĩnh vực công nghiệp điện tử. Còn khi nào có nhà đầu tư vào rồi thì chúng ta đào tạo chuyên sâu hoặc là đi học ở nước ngoài về lĩnh vực bán dẫn. Cách làm như vậy sẽ thuận cho việc đào tạo và sự phát triển ngành khoa học này ở Việt Nam”, ĐB Cảnh đề nghị.
Liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), theo ĐB Cảnh, đây là vấn đề mới và rộng; do đó luật cần phải có các quy định rất cụ thể. “Công nghệ AI có robot, con người lập trình sao robot làm vậy, chứ robot không tự quyết định được. Do vậy, luật cần quy định rõ về vấn đề đạo đức của AI”, ĐB Cảnh nói.
“Tôi nhiều lần nhận các cuộc điện thoại quảng cáo của công nghệ AI cảm thấy rất khó chịu. Khi nghe các cuộc gọi từ công nghệ AI là tôi tắt máy luôn, không muốn nghe. Bởi vì con người mà để máy gọi đến để quảng cáo thì không thể chấp nhận được. Mình thì bỏ công ra nghe, công nghệ AI thì cứ sử dụng điện để nói”, ĐB Cảnh phát biểu.
Từ phân tích trên, ĐB Cảnh đề nghị các hành vi liên quan đến đạo đức của AI thì nên cấm. Đối với các quy định liên quan về đạo đức của AI thì sau này Chính phủ và các bộ, ngành sẽ có quy định riêng trong các vấn đề như quảng cáo hay đưa ra quyết định ảnh hưởng đến con người.
N.HÂN - P.PHƯƠNG