Thanh toán BHYT đối với thuốc bevacizumab: Thêm quyền lợi cho bệnh nhân dịch kính võng mạc
Bộ Y tế và BHXH Việt Nam thống nhất về việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với thuốc bevacizumab điều trị bệnh lý dịch kính võng mạc. Ðây là tin vui với nhiều bệnh nhân có chỉ định điều trị bằng thuốc bevacizumab.
Mắc bệnh đái tháo đường từ năm 2004, đến năm 2019 ông Dương Hồng Sứ (63 tuổi, ở phường Đống Đa, Quy Nhơn) bị biến chứng xuất huyết võng mạc. Đây cũng là bệnh nhân khá đặc biệt khi hai mắt đều bị võng mạc đái tháo đường phải tiêm thuốc bevacizumab cả hai mắt. Từ nguồn hỗ trợ của một tổ chức phi chính phủ cho Bệnh viện Mắt tỉnh, năm 2022 ông đã được tiêm 16 mũi thuốc, trong số này được hỗ trợ miễn phí 12 mũi; năm 2023 tiêm 22 mũi, được miễn phí 3 mũi; năm 2024 đã tiêm 4 mũi phải tự chi trả.
Bác sĩ Nguyễn Thành Tân (bên phải) thực hiện tiêm nội nhãn bằng thuốc bevacizumab cho bệnh nhân dịch kính võng mạc. Ảnh: M.H
“Định kỳ mỗi tháng tiêm 2 mũi cho hai bên mắt, mỗi mũi tiêm cách nhau 1 tuần, riêng tiền thuốc bevacizumab tôi được hỗ trợ khoảng 700 nghìn đồng/mũi, phần còn lại chi trả chừng một nửa nên cũng đỡ chi phí lắm. Thuốc tiêm đáp ứng tốt, giờ hai bên mắt nhìn khá rõ, thị lực 4/10. Nhưng từ năm 2024, toàn bộ tiền thuốc này tôi đều phải tự chi trả, tính ra cả triệu đồng/mũi tiêm, trong khi bệnh của tôi còn phải điều trị lâu dài, nếu được BHYT thanh toán thì tốt quá!”, ông Sứ vui mừng nói.
Cũng mắc đái tháo đường thời gian dài, ông Huỳnh Văn Nhanh (54 tuổi, ở phường Nhơn Phú, Quy Nhơn) bị biến chứng phù nề hoàng điểm ở một bên mắt trái, phải điều trị bằng thuốc bevacizumab định kỳ hằng tháng tại Bệnh viện Mắt tỉnh. Hiện ông đã tiêm được 6 mũi và đáp ứng tốt. Thông tin sẽ được thanh toán BHYT khoản thuốc điều trị này, ông Nhanh bảo cực kỳ vui cho bệnh nhân: “Nếu được BHYT thanh toán tiền thuốc này thì đỡ lắm. Bởi, chi trả từ 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/mũi hằng tháng là một khoản lớn với nhiều bệnh nhân khó khăn”.
Tại Bình Định chỉ mới có Bệnh viện Mắt tỉnh sử dụng thuốc bevacizumab trong điều trị. Bác sĩ Nguyễn Thành Tân, Trưởng khoa Kết giác mạc phần phụ - chuyên về dịch kính võng mạc của bệnh viện, cho hay: Năm 2023, tại bệnh viện có 1.083 bệnh nhân mắc bệnh lý dịch kính võng mạc điều trị bằng thuốc bevacizumab; trong 10 tháng năm nay là 1.276 bệnh nhân. Các bệnh lý đáy mắt chủ yếu là bệnh lý dịch kính võng mạc, là nguyên nhân gây mù thứ 2 ở nước ta hiện nay. Cùng với phát triển về kinh tế, tuổi thọ gia tăng, các bệnh lý ở dịch kính võng mạc ngày càng tăng, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây tổn thương thị lực và mù lòa vĩnh viễn.
Các bệnh lý dịch kính võng mạc có chỉ định điều trị bằng thuốc bevacizumab thường gặp là võng mạc đái tháo đường tăng sinh (ước tính 1/3 số bệnh nhân đái tháo đường bị võng mạc đái tháo đường); thoái hóa hoàng điểm tuổi già thể ướt và thoái hóa hoàng điểm do cận thị; bệnh phù hoàng điểm do tắc mạch võng mạc; bệnh glaucom tân mạch; polip hắc mạc.
Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Nguyễn Thanh Triết cho hay: Việc thanh toán BHYT đối với thuốc bevacizumab sẽ tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho người bệnh. Các bệnh dịch kính võng mạc có chỉ định điều trị bằng thuốc bevacizumab thường kéo dài cả năm, điều trị nhiều đợt, mỗi đợt thường cách nhau chỉ 1 tháng, rất tốn kém. Nếu không được BHYT thanh toán, bệnh trạng của nhiều bệnh nhân không có điều kiện chữa bệnh sẽ nặng dần lên và số này sẽ bị mù… Mỗi lọ bevacizumab có giá khoảng 7 triệu đồng, mở ra là phải dùng hết, do đó bệnh viện phải tập trung nhiều người bệnh để tổ chức tiêm, tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân.
“Để đảm bảo thuận lợi cho bệnh nhân BHYT sử dụng thuốc điều trị bệnh lý dịch kính võng mạc an toàn, hiệu quả, BHXH tỉnh đang phối hợp với Sở Y tế đề nghị Bệnh viện Mắt tỉnh rà soát nhu cầu sử dụng tại tỉnh, lập dự trù, xây dựng quy trình pha chế, xây dựng giá thanh toán và thống nhất với BHXH tỉnh để làm cơ sở thanh toán chi phí thuốc bevacizumab tiêm nội nhãn”.
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Trương Đề
“Trên cơ sở hướng dẫn của Sở Y tế, BHXH tỉnh, Bệnh viện sẽ lập dự trù, xác định số lượng liều dùng, chia liều sử dụng thuốc, cân đối số bệnh nhân từng đợt điều trị cụ thể; đồng thời xây dựng quy trình pha chế, tiêm nội nhãn để làm cơ sở thanh toán thuốc BHYT theo đúng quy định tại Thông tư 20/2022/TT-BYT ngày 30.12.2022 của Bộ Y tế”.
Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Nguyễn Thanh Triết
MAI HOÀNG