Ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm phòng cháy, chữa cháy
Chủ động kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, thiếu sót và kiên quyết xử lý hành vi vi phạm về PCCC là những giải pháp cụ thể mà Cảnh sát PCCC toàn tỉnh tập trung nhằm giảm thiểu các vụ cháy nổ, đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng của nhân dân.
Toàn tỉnh hiện có hơn 12.600 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có 1.068 cơ sở có nguy cơ nguy hiểm về cháy, nổ. Vì vậy, công tác thẩm định, kiểm tra, nghiệm thu các dự án, công trình thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC luôn được lực lượng Cảnh sát PCCC tập trung thường xuyên, chú trọng.
Thượng tá Nguyễn Hoàng Tuấn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (CA tỉnh) cho biết: Trong quá trình thẩm định, kiểm tra, chúng tôi chú trọng việc hướng dẫn các cơ sở khắc phục vi phạm, tồn tại, thiếu sót về PCCC. Đồng thời, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ các cơ sở có vi phạm nghiêm trọng về PCCC, nhất là các công trình đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC; không mua sắm, trang bị các phương tiện chữa cháy… đều xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu tổ chức, cơ quan, DN vi phạm các quy định về PCCC.
Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (CA tỉnh) thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra tại các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC.
- Trong ảnh: Tổ công tác kiểm tra thao tác sử dụng, vận hành thiết bị máy bơm phục vụ công tác PCCC tại một DN thuộc Khu công nghiệp Phú Tài (TP Quy Nhơn). Ảnh: K.A
Cụ thể, từ ngày 15.12.2023 đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tổ chức kiểm tra 1.995 lượt cơ sở, kiểm tra đột xuất 10 lượt cơ sở. Qua đó, lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC&CNCH đối với 38 trường hợp, xử phạt hơn 2 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong quá trình kiểm tra, phát hiện vi phạm, đơn vị cũng đã tạm đình chỉ hoạt động 7 cơ sở; đình chỉ hoạt động 9 cơ sở và phục hồi hoạt động 4 cơ sở.
Đơn cử như Công ty TNHH T.L. (ở TP Quy Nhơn) hoạt động trong lĩnh vực đồ gỗ đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC&CNCH 90 triệu đồng, với hành vi đưa công trình, hạng mục công trình vào sử dụng khi chưa có văn bản hoặc giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC&CNCH. Công ty TNHH P.N. (TP Quy Nhơn) hoạt động trên lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản bị xử phạt hành chính 80 triệu đồng, vì không chấp hành quyết định đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật về PCCC. Trong khi đó, vì chậm khắc phục hệ thống báo cháy, chữa cháy do bị hỏng mà Công ty TNHH L.S. (TX An Nhơn) hoạt động trong lĩnh vực mua bán nguyên liệu nông, lâm sản cũng đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC& CNCH 15 triệu đồng…
Theo thượng tá Nguyễn Hoàng Tuấn, ngoài công khai danh sách các cơ sở bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, lực lượng Cảnh sát PCCC cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân giám sát chặt chẽ, kiên quyết không để xảy ra tình trạng các cơ sở hoạt động chui. Sau thời gian tạm đình chỉ, đơn vị sẽ tổ chức kiểm tra lại các cơ sở vi phạm, nếu vi phạm không được khắc phục hoặc không thể khắc phục thì ra quyết định đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật.
Được biết, từ ngày 15.12.2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 65 vụ cháy, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 92 tỷ đồng và 43,937 ha rừng. Tuy tăng về số vụ cháy và thiệt hại tài sản so cùng kỳ, nhưng không gây thiệt hại về người và không có vụ cháy nào xảy ra tại cơ sở chưa đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực. Đáng chú ý, có không ít vụ cháy, tại thời điểm phát hiện sự cố cháy, lực lượng PCCC tại chỗ đã phát huy tốt chức năng của mình, nhờ đó thiệt hại về cháy đã được hạn chế.
Để đảm bảo an toàn công tác PCCC, đi đôi với việc tuyên truyền, kiểm tra và kiên quyết xử lý vi phạm của lực lượng Cảnh sát PCCC thì mỗi người, mỗi đơn vị, cơ quan, DN cần thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” về công tác PCCC&CNCH để giảm thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
KIỀU ANH