Xây dựng đề án Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, AI và an ninh mạng tỉnh Bình Định
(BĐ) - Chiều 26.11, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp trực tuyến về các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và an ninh mạng trên địa bàn tỉnh.
Cuộc họp nhằm tiếp nhận ý kiến đóng góp từ các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trên cả nước, từ đó hoàn thiện đề án Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, AI và an ninh mạng tại Bình Định; cường giáo dục STEM trong các trường học và thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chủ trì cuộc họp, cùng sự tham gia của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang; lãnh đạo các sở, ngành liên quan, các tổ công tác của Đề án; đại diện các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TRỌNG LỢI
Đề án được chia thành 3 giai đoạn, gồm: Giai đoạn 2025 - 2026: Hoàn thiện các công tác chuẩn bị và khởi động, tạo nền tảng để triển khai các nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn tiếp theo. Giai đoạn 2027 - 2030: Kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh kết quả giai đoạn 1, triển khai các vấn đề chính của đề án. Tầm nhìn 2045: Rà soát, điều chỉnh kế hoạch để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng hệ sinh thái công nghệ hoàn chỉnh tại địa phương, thúc đẩy DN phát triển sản phẩm, dịch vụ ứng dụng bán dẫn, AI và an ninh mạng. Đồng thời, hoàn thiện chương trình giáo dục STEM và thúc đẩy lan tỏa kết quả giáo dục STEM trong xã hội.
Tại cuộc họp, đại diện các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng đều ủng hộ Đề án và sẵn sàng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao, đặc biệt trong các ngành công nghiệp bán dẫn, AI và an ninh mạng trên địa bàn tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, một số ý kiến đề xuất tách đề án thành 2 phần: Một phần dành cho đào tạo nguồn nhân lực cho các trường đại học và cao đẳng trong lĩnh vực bán dẫn, AI, an ninh mạng; phần còn lại tập trung vào giáo dục STEM cho các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.
TS Hà Thúc Viên, Hiệu trưởng trường ĐH Việt - Đức tham gia góp ý Đề án. Ảnh: TRỌNG LỢI
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang cảm ơn ý kiến góp ý của các cơ sở giáo dục và nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, AI, vì đây là yếu tố then chốt để thu hút đầu tư từ các tập đoàn quốc tế, đồng thời thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng lao động và phát triển kinh tế. Việc xây dựng Đề án là cần thiết để giúp Bình Định vươn lên trở thành tỉnh dẫn đầu trong khu vực. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đồng tình với ý kiến đề xuất tách đề án thành 2 phần để đạt hiệu quả cao hơn trong việc đào tạo nguồn nhân lực.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định hướng đi khác biệt của Bình Định trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, AI và an ninh mạng, coi đây là một trong những lĩnh vực chiến lược để tỉnh bứt phá. Chủ tịch UBND tỉnh hy vọng trong tương lai, Bình Định sẽ trở thành nơi cung cấp nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, AI và an ninh mạng; đồng thời yêu cầu Sở GD&ĐT, Trường ĐH Quy Nhơn, thành viên Tổ công tác GD&ĐT giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện Thỏa thuận hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn, AI, an ninh mạng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025 - 2030… tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện và ban hành đề án.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là chiến lược dài hạn, góp phần khai thác tiềm năng của ngành bán dẫn và AI, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
TRỌNG LỢI