Dự thảo đưa hoạt động Dạy thêm, học thêm trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện:
Cần quản lý chặt chẽ, minh bạch trong dạy thêm, học thêm
Mới đây, Bộ GD&ÐT lấy ý kiến dự thảo đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ðây được coi là cơ hội giúp học sinh yếu kém cải thiện kiến thức, nhưng cũng có ý kiến cho rằng dạy thêm, học thêm tạo áp lực tài chính và tinh thần cho nhiều phụ huynh, học sinh…
Nhiều giáo viên ủng hộ
Bà Mai Thị Minh Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (TP Quy Nhơn), nhận định: Học thêm là nhu cầu thực từ học sinh, nhằm củng cố thêm kiến thức. Hợp pháp hóa dạy thêm là cách tốt nhất để nhà trường hỗ trợ học sinh yếu kém, nhất là trong giai đoạn ôn thi. Tuy nhiên, phải tổ chức quản lý cần sát sao, không để xảy ra tình trạng dạy thêm tràn lan.
Dạy thêm tạo điều kiện để học sinh củng cố kiến thức.
- Trong ảnh: Một tiết ôn tập tại Trường THPT Hùng Vương (TP Quy Nhơn). Ảnh: HỒ ĐIỂM
Để minh bạch trong hoạt động dạy thêm, học thêm, một số trường đã sẵn sàng cho việc tổ chức cho học sinh lớp học thêm ngay tại trường. Cô Huỳnh Thị Nắng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoài Thanh (TX Hoài Nhơn), bày tỏ: Nhiều phụ huynh muốn con em được tiếp cận kiến thức đầy đủ và trọn vẹn qua các buổi học thêm và có nhu cầu cho con học thêm nhưng lo ngại chất lượng từ các lớp dạy thêm tự phát. Nếu có quy định mới trong việc dạy thêm, phụ huynh sẽ yên tâm hơn và giáo viên cũng có thể phát huy chuyên môn.
Trong khi đó, đại diện một số trường cũng chỉ ra rằng, để dự thảo này thực sự hiệu quả, cần có những quy định cụ thể về thời gian, nội dung và đối tượng tham gia học thêm, tránh biến thành gánh nặng tâm lý cho học sinh, gia đình và cả xã hội.
Việc tổ chức dạy thêm hợp pháp giúp giáo viên tăng thu nhập, giảm áp lực kinh tế tuy nhiên, cần cơ chế quản lý chặt chẽ để đảm bảo không có tình trạng giáo viên ép học sinh học thêm hoặc chạy theo lợi ích kinh tế.
Một giáo viên ở một trường THCS tại huyện Phù Cát (đề nghị không nêu tên) tâm sự: “Dạy thêm trong khuôn khổ quy định không chỉ giúp chúng tôi yên tâm làm việc mà còn tăng sự gắn kết giữa giáo viên và học sinh. Nhưng phải có quy định để tránh việc dạy thêm ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy chính khóa.
Phụ huynh lo lắng…
Nếu nhiều phụ huynh tại TP Quy Nhơn bày tỏ sự đồng tình với dự thảo mà Bộ GD&ĐT đưa ra, thì ở một số vùng nông thôn, rất nhiều phụ huynh lo lắng khi dạy thêm được chính thức hóa gia đình sẽ chịu thêm áp lực tài chính, nhiều giáo viên sẽ tranh thủ lạm dụng. Hơn nữa ở một góc nhìn khác, ngay cả những gia đình có điều kiện về tài chính vẫn mong muốn con được cân bằng thời gian học tập và vui chơi giải trí. Do hiện nay nhìn chung trẻ em không còn mấy thời gian để vui chơi nữa.
Anh Dương Văn Nghĩa, một phụ huynh tại huyện Tuy Phước, chia sẻ: Dù biết học thêm sẽ giúp con cải thiện học lực, kiến thức, nhưng không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện chi trả. Nếu có chính sách hỗ trợ cho những học sinh nghèo, tôi nghĩ sẽ hợp lý hơn.
Đáng chú ý, từ thành thị đến nông thôn, hầu hết học sinh đều không muốn học thêm. Em N.T.T.M., học sinh lớp 6 tại một trường THCS ở TP Quy Nhơn, than thở: Ngoài lịch học ở trường, bố mẹ yêu cầu con học thêm hai môn Toán và Tiếng Anh. Trong khi đó lịch học ở trường đã 2 buổi/ngày, nên con cảm giác bị quá tải, mệt mỏi do không còn thời gian nghỉ ngơi. Nhưng nếu con trình bày như thế thì bố mẹ sẽ cho là con lười học.
Dự thảo mới giúp tổ chức hoạt động dạy thêm theo hướng minh bạch, hiệu quả hơn, nhưng đi kèm với đó là thách thức không nhỏ trong việc làm sao quản lý, giám sát và cân đối lợi ích giữa các bên; ngăn chặn việc lạm dụng một khi dạy thêm được chính thức hóa.
Nếu làm đúng và vì sự tiến bộ của học sinh, dạy thêm sẽ thành công cụ hữu ích
Là một trường tiểu học tại địa bàn miền núi, hoạt động dạy thêm được trường thực hiện miễn phí, điều này nhận được sự đồng tình từ phía phụ huynh và học sinh. Nhiều phụ huynh có tâm lý cho con học thêm tại trường để chú tâm vào công việc, như vậy cũng yên tâm hơn. Nếu làm đúng và vì sự tiến bộ của học sinh, dạy thêm sẽ không còn là áp lực mà trở thành công cụ hữu ích để cải thiện chất lượng học tập, nhưng để tránh những phát sinh “tiêu cực” cần có sự phối hợp giám sát. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ cho học sinh ở vùng khó khăn, đồng thời, thông tin đầy đủ về các quy định để phụ huynh, học sinh không đối mặt với những áp lực không đáng có…
Bà Đỗ Thị Mỹ Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Canh Hiệp (huyện Vân Canh)
HỒ THỊ ÐIỂM