Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Lối đi “xanh - sạch” giúp nhà nông phát triển bền vững
Từ 11,6 ha vào năm 2023, đến nay, diện tích đất canh tác theo hướng hữu cơ ở tỉnh ta đã tăng lên 136 ha. Cuộc chuyển hướng canh tác của nông dân và các HTX là theo xu thế sản xuất “xanh - sạch” nhằm bảo vệ sức khỏe người sản xuất, cải tạo đất, bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Cú hích từ chính sách
Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), cho biết canh tác hữu cơ đòi hỏi kỹ thuật, quy trình khắt khe hơn nhiều so với phương pháp truyền thống, đặc biệt là yêu cầu về nhân công và chi phí đầu tư ban đầu. Chính vì vậy, trước đây, ít người chọn cách canh tác này. Tuy nhiên, từ năm 2022, khi tỉnh đã triển khai chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm hỗ trợ nông dân và HTX chuyển đổi sang canh tác hữu cơ đã có thêm nhiều người chuyển hướng.
Cụ thể, tỉnh hỗ trợ 100% chi phí thuê tổ chức chứng nhận sản phẩm hữu cơ, đào tạo và cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn TCVN, với mức hỗ trợ không quá 80 triệu đồng/dự án. Đồng thời, tỉnh còn hỗ trợ 50% kinh phí mua phân bón hữu cơ và 100% kinh phí mua các vật tư phục vụ sản xuất hữu cơ như thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chế phẩm sinh học xử lý đất và phân hữu cơ. Chính sách này đã giúp nông dân và HTX giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu, khuyến khích họ chuyển đổi và mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ, đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm nông sản đạt chuẩn, nâng cao giá trị và tăng thu nhập cho người sản xuất.
Anh Trần Đức Trạng bên vườn bưởi da xanh canh tác theo hướng hữu cơ. Ảnh: T.LỢI
Đến nay, toàn tỉnh đã có 11,7 ha lúa hữu cơ, 6,6 ha rau hữu cơ, 115,2 ha dừa hữu cơ và 2,5 ha bưởi hữu cơ. Mô hình canh tác bưởi da xanh theo phương pháp hữu cơ của anh Trần Đức Trạng và anh Nguyễn Ngọc Thường cùng ở xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân đang đem lại thành công.
Anh Trạng hiện trồng 1 ha bưởi da xanh và xen canh cây chuối sáp, trong khi anh Thường có 1,5 ha bưởi da xanh hợp chuẩn hữu cơ. Cả hai đều áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, không sử dụng phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật vô cơ, thay vào đó sử dụng phân chuồng ủ mục và nuôi kiến vàng, ong để kiểm soát sâu bệnh. Tốn nhiều công sức hơn, nhưng sản phẩm bưởi của họ lại được giá hơn so với thông thường từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Hơn nữa, 70% sản phẩm của anh Trạng đã được HTXNN Thanh niên Hoài Ân bao tiêu.
Nâng cao sức cạnh tranh của nông sản
Các HTXNN cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Đơn cử, HTXNN Thanh Niên Hoài Ân trực tiếp thu mua các sản phẩm bưởi và ổi hữu cơ của nông dân, góp phần bảo đảm chuyện tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, nhiều HTX khác tại huyện Hoài Ân cũng đang tập trung canh tác lúa hữu cơ, với tổng diện tích 11,7 ha, sản lượng khoảng 90 tấn/năm.
Cùng với đó, một số công ty tư nhân cũng tham gia mạnh mẽ vào canh tác hữu cơ quy mô lớn. Điển hình là Công ty CP Yuuki Farm, tại thôn Thiết Trụ, xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn), có 6,6 ha rau hữu cơ thỏa mãn các tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu và vào được nhiều siêu thị trong nước. HTXNN Ngọc An (TX Hoài Nhơn) cũng đang phát triển mạnh mô hình dừa hữu cơ, với 100 ha dừa đã có chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Toàn bộ diện tích dừa của HTX này không sử dụng phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật vô cơ, mà thay vào đó sử dụng phân chuồng và các chế phẩm tự nhiên.
Ông Nguyễn Ngọc Nghiệp, Giám đốc HTX, chia sẻ: “Sản phẩm dừa được xuất thô chủ yếu ra miền Bắc và Trung Quốc, một phần nhỏ dùng để chế biến các sản phẩm như dầu dừa tinh khiết và bánh tráng dừa”.
Tỉnh Bình Định đang thực hiện kế hoạch phát triển cây trồng chủ lực và cây ăn quả đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch này tập trung vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp với lợi thế của tỉnh và nhu cầu thị trường; hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với việc “chuẩn hóa” các sản phẩm nông sản theo hướng an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ, nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường.
Theo ông Kiều Văn Cang, việc phát triển canh tác hữu cơ tại Bình Định trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả rõ rệt, tạo ra các vùng sản xuất tập trung đạt tiêu chuẩn hữu cơ, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản. Mục tiêu của tỉnh là duy trì và mở rộng diện tích canh tác hữu cơ, đồng thời tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ để phát triển nông sản đạt chuẩn VietGAP và hữu cơ trong tương lai.
TRỌNG LỢI