Éo le những cảnh đời
Họ là những người phụ nữ tâm trí không bình thường. Cuộc sống một mình bình thường đã khó, lại càng khốn hơn khi... “phải” sinh con.
Hàng xóm gọi chị Đ.T.H. (thôn Phú Hữu 1, xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân) là “H. khùng”. Đó là cách gọi thân mật, nhưng cũng là để phân biệt chị với những người tên H. khác trong thôn. Chị “khùng” đến độ ai hỏi bao nhiêu tuổi, chị cũng không biết mà chỉ đưa sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế để người ta xem.
Bữa cơm chiều của gia đình chị Q.
Chị H. năm nay 39 tuổi, sống cùng với mẹ là cụ T.T.X. (68 tuổi). Từ nhỏ, thần kinh đã có những biểu hiện không bình thường, người lại ốm yếu, nên chị H. là gánh nặng cho người mẹ già bị tai biến. Hằng ngày, ai mướn gì chị làm nấy, có khi người ta đưa dăm ba chục ngàn, có khi là vài ba ký gạo. Ngày nào không ai kêu, không có tiền, không có gạo thì chị lên núi hái lá giang, ra ruộng hái rau má, lượm lặt những thứ có thể ăn được.
Năm 2001, không biết gã đàn ông nào đã làm chị có thai. Người nghèo có thai đã khổ, nuôi con khó, hoàn cảnh như chị mà bụng mang, dạ chửa, sinh con khiến không ít người ái ngại. Đứa con gái Đ.T.L. ra đời, gia đình 3 mẹ con, bà cháu sống được là nhờ sự cưu mang của bà con hàng xóm. Vậy mà, đến năm 2007, lại lần nữa chị mang thai và có đứa con thứ hai- Đ.T.V.
Nói đến chuyện con cái, dường như chị không ý thức hết thiên chức làm mẹ, mà chỉ đơn thuần là bản năng của con người. Chị khờ khạo nói: “Hai đứa có hai người ba, nhưng mình sinh con là chuyện của mình. Từ ngày sinh, ba của hai đứa không nhận, không nuôi, mình nuôi được đến đâu thì nuôi”. Nghe mẹ nói đến đây, con gái Đ.T.L. bất ngờ hỏi: “Con có hai ba ne má”. Câu nói ngây thơ của cô bé nghe đến xót lòng.
Cùng thôn với H., hoàn cảnh của chị N.T.H.D. (37 tuổi) cũng không kém phần bi đát. Năm 2007, chị D. hạ sinh cháu N.T.T.K. Chị sống nhờ những bó lá giang hái trên núi đem xuống chợ bán. Thu nhập ba cọc ba đồng không thể nuôi nổi con, đành nhờ em gái Nguyễn Thị Hiệp nuôi hộ. Chị Hiệp tâm sự: “Mấy chị em trong gia đình ai cũng ngờ nghệch, chỉ riêng tui là có thể đi học nghề, làm việc kiếm tiền phụ giúp gia đình. Chị D. thì lúc nhớ lúc quên, không ý thức hết việc mình làm; trót lỡ có con với người ta mà người ta không nhận. Thương cháu, tui có gắng làm để nuôi, mong sao nó lớn lên không như má nó, không bị người ta xâm hại. Điều tui lo nhất bây giờ là D. có bị người ta lợi dụng nữa hay không, chứ khổ thế nào để nuôi cháu, lo cho gia đình tui cũng chịu được”.
Cảnh đời của chị N.T.Q. (27 tuổi, ở thôn Gia Đức, xã Ân Đức) cũng muôn phần éo le. Chị Q. sống cùng mẹ là bà N.T.C. (54 tuổi) bị liệt nửa người, gần mười năm nay không đi lại được. Cuộc sống gia đình dựa vào tiền trợ cấp vài trăm ngàn hằng tháng và sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Bà C. thở dài ngao ngán: “Con Q. đờ đệt, những lúc lên cơn, ngay cả tui cũng đánh, cũng mắng. Vậy mà có người ác đến mức làm cho nó có chửa. Thấy nó có thai tui muốn chết cho xong, chứ làm sao chứng kiến cảnh đấy được. Nhưng nghĩ thương con, thương cháu nên đành cố gắng. Hằng ngày, tui ngồi trước nhà ăn xin, gom góp được bao nhiêu để dành lo cho nó. Giờ thì thằng nhỏ chưa có biểu hiện gì, cứ lo sau này nó khờ như mẹ nó thì khổ cả nhà”.
Còn chị Q. thì hồn nhiên kể: “Lúc đấy biết gì đâu. Có chửa thì đẻ”. Tôi hỏi, chị có muốn thêm đứa nữa không. Chị cười ngượng đáp gọn lỏn: “Thâu!”.
* * *
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, lại thêm người mẹ nửa mê nửa tỉnh, con đường tương lai của những đứa trẻ kia sao mịt mù quá. Cám cảnh trước những mảnh đời éo le, chợt nghĩ, làm sao để những người phụ nữ tâm thần không phải mang nỗi đau mang thai - sinh con một mình vẫn là một câu hỏi nhức nhối đối với cộng đồng, xã hội…
THANH HOÀI