Nâng cao năng suất lao động tại doanh nghiệp
Góp phần nâng cao năng suất lao động, nhiều doanh nghiệp đã phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai công tác đào tạo nghề cho người lao động. Năm 2024, đã có 12 doanh nghiệp trong tỉnh được ngân sách hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.
Cập nhật kiến thức, kỹ năng
Chị Nguyễn Thị Thùy Duyên, 33 tuổi, ở phường Hoài Tân, TX Hoài Nhơn, đã làm việc tại Công ty TNHH Sinh Phát Việt Nam 4 năm. Hiện, chị là 1 trong 155 người lao động đang tham gia khóa đào tạo sơ cấp nghề may công nghiệp do công ty phối hợp với Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn mở. Sau gần 2 tháng vừa học, vừa làm việc, chị Duyên cho biết: Việc học tập, đào tạo lại đã giúp chị nâng cao kỹ năng, tay nghề.
Chị Duyên nói: “Phải đến khi vào làm việc ở công ty tôi mới được đào tạo theo cách cầm tay chỉ việc, tuy làm được nhưng chưa thành nghề. Lần này, được công ty cho học bài bản, nắm bắt được quy trình may sản phẩm cụ thể, các kiến thức về vệ sinh, an toàn lao động để tự bảo vệ chính mình trong quá trình lao động…, học buổi sáng, buổi chiều vào xưởng áp dụng ngay, tôi thấy tay nghề mình nâng lên thấy rõ, năng suất lao động gần đây cũng khá hẳn”.
Hai năm trước, chị Trần Thị Kim Hoa, 40 tuổi, ở phường Hoài Hảo, TX Hoài Nhơn, đã học sơ cấp nghề may công nghiệp tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TX Hoài Nhơn. Ứng tuyển và được nhận vào làm việc tại Công ty CP may mặc Khánh Toàn, sau hai năm, chị tiếp tục cùng 94 người lao động khác trong DN tham gia khóa sơ cấp nghề may công nghiệp. Chị Hoa cho hay: “Nghề may, mới nhìn qua thì cứ nghĩ là nó không có gì thay đổi, cũng chỉ từng đó công đoạn, công việc. Nhưng thực chất, mỗi sản phẩm, mỗi đơn hàng đều có những yêu cầu về kỹ thuật khác nhau. Lần này, tôi được cập nhật thêm nhiều kiến thức mới. Tôi thấy mình cải thiện được độ chính xác trong thao tác, giảm thời gian chết trong quá trình sản xuất, từ đó năng suất tăng lên đáng kể”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Tổ trưởng chuyên môn Tổ may (Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn) cho biết: “Khác với đối tượng học sinh hệ trung cấp, người lao động tại DN tham gia các lớp sơ cấp nghề có thời gian học ngắn, linh hoạt hơn do yêu cầu sản xuất của DN. Học viên là người lao động trong DN đã có tay nghề cơ bản, chúng tôi tập trung quan sát những điểm mà họ còn yếu, thiếu để bổ sung kiến thức nền, hướng dẫn, giúp họ hoàn thiện, nâng cao hơn các kỹ năng đó”.
Giáo viên Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn hướng dẫn thực hành cho học viên là người lao động Công ty TNHH Sinh Phát Việt Nam. Ảnh: ĐVCC
Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững
Năng suất lao động là thước đo hiệu quả làm việc của cá nhân, cũng là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển và cạnh tranh của DN. Việc triển khai các khóa đào tạo, cải tiến quy trình làm việc, DN có thể khai thác tối đa tiềm năng của lực lượng lao động, từ đó thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững.
Đồng hành với DN và người lao động trên hành trình nâng cao năng suất, kỹ năng cho người lao động, tỉnh ta có chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động chi phí đào tạo nghề cho người lao động. Tỷ lệ hỗ trợ là 50% chi phí đào tạo. Theo Sở LĐ-TB&XH, năm 2024, ngân sách tỉnh hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho 1.895 lao động của 12 DN trên địa bàn với tổng kinh phí hỗ trợ gần 1,6 tỷ đồng.
Trong đó, hỗ trợ 596,4 triệu đồng cho 5 DN trong khu công nghiệp (gồm: Công ty TNHH SX&TM Việt Mỹ Bình Định, Công ty CP Sản xuất thương mại Đồ Mộc Việt Nam, Công ty TNHH May mặc Able Việt Nam, Công ty CP Du lịch và Thương mại Hoàng Đạt, Công ty CP Khu du lịch biển Maia Quy Nhơn) với 690 lao động được đào tạo. 7 DN ngoài khu công nghiệp (gồm: Công ty CP May An Nhơn, Công ty TNHH MTV Gỗ Phú Tài Bình Định, Công ty CP May Phù Cát, Công ty CP Đầu tư An Phát, Công ty CP May Tây Sơn, Công ty CP may mặc Khánh Toàn, Công ty TNHH Sinh Phát Việt Nam) với 1.205 lao động với tổng kinh phí hơn 993 triệu đồng. Các ngành nghề được đào tạo gồm: May công nghiệp, cơ khí hàn, gia công sản phẩm mộc; nghiệp vụ lễ tân; nghiệp vụ lưu trú; nghiệp vụ nhà hàng; kỹ thuật chế biến món ăn; Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm).
NGUYỄN MUỘI