Dịch bệnh diễn biến khó lường, nguy cơ lây lan các bệnh nguy hiểm mới nổi
(BĐ) - Đây là nhận định được Bộ Y tế đưa ra tại Hội nghị về công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm, sáng 28.11.
Hội nghị tổ chức trực tuyến với Sở Y tế các tỉnh, thành phố cả nước, do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì. Tại đầu cầu Bình Định, lãnh đạo Sở Y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tham dự.
Tại hội nghị, Bộ Y tế thông tin vấn đề rất đáng quan tâm khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch tại nhiều khu vực trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, số mắc sởi cũng tăng cao. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, trong đó có gần 5.000 ca dương tính, 5 trường hợp tử vong; so với cùng kỳ năm 2023 số nghi sởi cao hơn 52,9 lần, số ca sởi dương tính cao hơn 111 lần. Đáng chú ý, nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi.
Ngoài ra, số mắc ho gà cũng cao hơn 23 lần, với hơn 1.000 ca mắc, 1 ca tử vong. Số mắc cúm mùa có xu hướng giảm, tuy nhiên số tử vong tăng 7 trường hợp. Đặc biệt, đã ghi nhận 1 ca mắc bệnh bại liệt.
Đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi và bệnh lây từ động vật sang người, đã ghi nhận 74 ca bệnh đậu mùa khỉ rải rác ở tỉnh, thành phía Nam; 2 ca cúm A(H5N1), trong đó 1 ca tử vong; 1 ca cúm A(H9N2).
Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ em tại TP Quy Nhơn, năm 2024. Ảnh: M.H
Tại tỉnh Bình Định, từ đầu năm đến nay ghi nhận 3.452 ca sốt xuất huyết; 1 ca dương tính với rubella và 21 ca sởi; 11 ca cúm A(H1N1), trong đó 4 ca tử vong...
Bộ Y tế nhận định, dịch bệnh truyền nhiễm luôn diễn biến khó lường, tiếp tục có nguy cơ xuất hiện và lây lan các biến thể mới, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi. Nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao, cùng với thay đổi bất thường của thời tiết là điều kiện thuận lợi làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ khẩn trương phối hợp với 11 viện thuộc hệ thống y tế dự phòng và địa phương xây dựng hoàn thiện các chính sách, quy định liên quan đến định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập; sớm trình kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2025, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật…
Đối với các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị UBND tỉnh, thành phố giao trách nhiệm cho UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai hiệu quả hoạt động phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng mở rộng.
Các cơ sở y tế sẵn sàng tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch; tổ chức triển khai hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm bù, tiêm vét. Đồng thời, sẵn sàng phương án thu dung, điều trị bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn; triển khai các đợt cao điểm truyền thông; huy động các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là vắc xin, sinh phẩm…
MAI HOÀNG