Xây dựng văn bản pháp luật:
Đảm bảo các vấn đề có tính nguyên tắc
Từ thực tiễn trên bình diện cả nước cho thấy hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hiện nay bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đảm bảo các vấn đề có tính nguyên tắc là hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và khả thi.
Sai thẩm quyền ban hành, thiếu tính thống nhất
Hàng năm, Bộ Tư pháp tiến hành chỉ đạo rà soát khoảng 30% tổng số văn bản quy phạm pháp luật (gọi tắt là văn bản pháp luật - VBPL) đã ban hành. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 2 năm 2012 và 2013, đã có hơn 16.000 văn bản bị phát hiện có vi phạm về nội dung và thẩm quyền ban hành như: ban hành trái thẩm quyền, không đúng nội dung và thể thức quy định.
Đơn cử, Nghị quyết số 23/NQ-2011, ngày 24.11.2011 của HĐND TP Đà Nẵng về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2012, có quyết nghị điều chỉnh vấn đề nhập cư vào địa phương này. Nội dung văn bản này đã trái với Hiến pháp 1992 (nay là Hiến pháp 2013) về quyền tự do, bình đẳng của công dân; trái với Luật cư trú về quyền tự do sinh sống, đi lại. Hoặc, năm 2007, ở Bình Định, HĐND ở một xã đã ban hành nghị quyết về thu đóng góp làm đường bê tông nông thôn theo nhân khẩu, không đúng với tinh thần quy chế dân chủ ở cơ sở.
Khi xây dựng một văn bản pháp luật cần tham khảo, lấy ý kiến nhân dân hoặc tham vấn cộng đồng.
- Trong ảnh: Một buổi lấy ý kiến góp ý dự thảo luật do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức. Ảnh: THU HÀ
Về tính thống nhất của các văn bản pháp luật, đơn cử, về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thì quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai hiện nay mâu thuẫn với Luật Công chứng:
Cùng là một cơ quan thẩm định (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), cùng một cơ quan ban hành (Quốc hội) nhưng Luật Công chứng 2014 (Điều 4) quy định: “Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày công chứng viên ký và đóng dấu…”. Trong khi đó, Điều 692 Luật Dân sự 2005 lại quy định “hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sử dụng theo quy định của Luật Đất đai”; còn Điều 188 Luật Đất đai 2013 thì quy định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất “có hiệu lực từ thời điểm được đăng ký vào sổ địa chính”.
Điều chỉnh nhiều mối quan hệ, Bộ luật Dân sự định hướng giải quyết trường hợp mâu thuẫn giữa các luật là ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành (trong trường hợp này là áp dụng Luật Đất đai 2013). Thế nhưng, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 lại quy định nếu cùng một cơ quan ban hành văn bản nhưng có mâu thuẫn thì áp dụng văn bản ban hành sau (trong trường hợp này là áp dụng Luật Công chứng)?!
Do vậy, việc áp dụng pháp luật vào thực tiễn đã nảy sinh vướng mắc, nhất là khi xảy ra tranh chấp, xác định thời điểm chịu rủi ro. Nếu áp dụng Luật Công chứng, rủi ro bên này phải gánh chịu thì được lợi cho bên kia; việc áp dụng Luật Đất đai cũng có kết quả tương tự. Điều này dẫn đến việc áp dụng tùy tiện pháp luật trong giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất.
Để luật không xa rời thực tế
Về tính khả thi của một số VBPL trong một vài năm trở lại đây, có ý kiến cho rằng đã có biểu hiện của tình trạng quan liêu, xa rời thực tế của những người tham mưu, ban hành VBPL, mà nói nôm na là văn bản của người “chuyên ngồi trong phòng lạnh”.
Đơn cử như các quy định: “cộng điểm ưu tiên cho bà mẹ Việt Nam anh hùng khi thi đại học” (theo Thông tư 24 của Bộ GD& ĐT), “không được bán thịt sau thời điểm giết mổ 7 giờ” (Thông tư 23 của Bộ NN&PTNT), hay đáng buồn cười như “ngực lép không được điều khiển xe mô tô” (dự thảo Thông tư liên ngành giữa Bộ Y tế và Bộ CA); hoặc “tang lễ của cán bộ, công chức không quá 7 vòng hoa” của Bộ VH-TT&DL... Mới đây nhất là TAND Tối cao trình dự thảo Luật tổ chức TAND, trong đó đề nghị đổi mới phương thức phân bổ kinh phí hoạt động của ngành và tăng độ tuổi lao động của thẩm phán lên 65, trái với Luật Ngân sách và Luật Lao động.
Hậu quả của một VBPL ban hành trái luật, thiếu thống nhất, thiếu khả thi không những không có tác dụng mà còn gây tác hại, làm ảnh hưởng vào niềm tin của nhân dân.
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên, trước hết, là do năng lực của cán bộ tham mưu, ban hành VBPL và chất lượng khâu thẩm định còn hạn chế; trong khi đó, vấn đề lợi ích nhóm và tư tưởng cục bộ ngành luôn tác động, áp đặt ý kiến chủ quan của ngành mình vào quá trình xây dựng, ban hành văn bản. Một nguyên nhân khác là chưa có chế tài đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ban hành văn bản trái luật. Một số văn bản sau khi tổ chức thực hiện tuy gây ra thiệt hại, dư luận phản ứng song chưa có người nào bị xử lý.
Để nâng cao năng lực dự thảo và chất lượng thẩm định văn bản, cơ quan thẩm định phải có những chuyên gia đầu ngành; coi trọng tính tổng thể, khái quát để phát hiện ra mâu thuẫn với các văn bản đã ban hành trước đó; phát hiện và ngăn chặn, bãi bỏ những định chế mang tính chất cục bộ ngành và lợi ích nhóm. Mặt khác, phải tuân thủ đúng quy trình xây dựng văn bản pháp luật, trong đó có bước tham khảo, lấy ý kiến nhân dân hoặc tham vấn cộng đồng. Cuối cùng, cần thiết phải có chế tài xử phạt đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân ban hành văn bản trái luật.
HUỲNH HOA