HTXNN Phước Hiệp:
Liên kết sản xuất rau “VietGAP”
Năm 2011, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) được Dự án Sinh kế nông thôn bền vững tỉnh chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn (RAT) theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp sạch) và đầu tư xây dựng, chuyển giao nhà sơ chế rau tại thôn Luật Chánh (đi vào hoạt động từ năm 2012). Đến nay, hoạt động sản xuất RAT ở Phước Hiệp ngày càng ổn định và phát triển.
Ông Phạm Long Thăng, Chủ nhiệm HTXNN Phước Hiệp, cho biết: Sau khi 3 HTXNN trên địa bàn xã sáp nhập thành một HTX, lấy tên là HTXNN Phước Hiệp, và được UBND xã giao tiếp quản kinh doanh dịch vụ sản xuất RAT theo hướng VietGAP. Ban đầu, HTX chỉ liên kết hoạt động sản xuất, kinh doanh với nhóm cùng sở thích sản xuất RAT VietGAP tại thôn Luật Chánh; thấy có hiệu quả, HTX đã liên kết phát triển thêm 3 nhóm cùng sở thích sản xuất RAT, nâng lên thành 4 nhóm, gồm thôn Luật Chánh 2 nhóm, thôn Đại Lễ 1 nhóm và thôn Tú Thủy 1 nhóm, có tổng số 84 hộ tham gia sản xuất RAT VietGAP trên diện tích 6,5 ha.
Cũng theo ông Phạm Long Thăng, sản phẩm RAT do các nhóm cùng sở thích làm ra được HTX bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Năm đầu tiên, do thị trường chưa hiểu mấy về RAT VietGAP nên sức cạnh tranh của RAT còn yếu, sản phẩm làm ra bán giá thấp, có lúc HTX phải bù lỗ. Được sự ủng hộ của địa phương và ngành chức năng, cùng với quyết tâm của nhóm cùng sở thích sản xuất RAT, HTX đã tăng cường công tác tuyên truyền, tiếp thị, sản phẩm dần được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện RAT Phước Hiệp đã có mặt tại 2 siêu thị lớn trong tỉnh (Co.opmart và Big C) và các chợ đầu mối, doanh thu năm sau tăng hơn năm trước, góp phần giải quyết việc làm cho gần 300 lao động địa phương.
Ông Võ Văn Tín, quản lý nhà sơ chế RAT VietGAP Phước Hiệp, cho hay: Hàng ngày nhà sơ chế tiếp nhận, sơ chế và phân phối RAT cho các điểm kinh doanh, nhiều nhất là ở TP Quy Nhơn. Cứ vào mỗi buổi chiều, khách hàng các nơi điện thoại hoặc email đến HTX đặt hàng từng loại rau củ. Căn cứ đơn hàng, mình gọi cho các nhóm cùng sở thích thu hoạch rồi đưa xe đến vận chuyển về nhà sơ chế, phân loại, sơ chế, đóng bì và sáng sớm hôm sau chở giao hàng đúng hẹn.
Thị trường tiêu thụ RAT đang được mở rộng, năm 2013 HTX thu mua và tiêu thụ hơn 47 tấn RAT, trừ chi phí còn lãi 26 triệu đồng; 9 tháng đầu năm nay HTX tiêu thụ được 63 tấn, lãi 50 triệu đồng. Riêng nông dân sản xuất RAT có thu nhập bình quân 350 triệu đồng/ha/năm.
Chị Đồng Thị Nhung, nông dân sản xuất RAT ở Phước Hiệp, bộc bạch: Tui sản xuất 2 sào rau luân chuyển liên tục, lúc trồng rau muống, cải xanh, cải ngọt, rau gia vị; lúc trồng khổ qua, dưa leo, đậu bắp, đậu que… Mới rồi tui trồng rau muống, 20 ngày thu hoạch bán cho nhà sơ chế rau, thu được 10 triệu đồng (5 triệu đồng/sào), nay xuống tiếp rau cải. Quá trình sản xuất RAT, mình chọn giống tốt, chất lượng, sử dụng phân bón có trong danh mục được phép dùng để bón cho rau, không sử dụng phân hữu cơ chưa qua xử lý; nước tưới cho rau và xử lý sau thu hoạch đều thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua gần 4 năm tham gia sản xuất RAT theo hướng VietGAP, nhìn chung bà con chúng tui đều có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định.
Có thể nói, sản xuất RAT theo hướng VietGAP là xu hướng tất yếu, cần tuyên truyền hướng dẫn cho nông dân làm theo, không những tăng thu nhập cho người sản xuất mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
XUÂN THỨC
CHO MÌNH HỎI: Ở QUY NHƠN MUỐN RAU VIETGAP Ở ĐÂU ? XIN CẢM ƠN