Nên cơ nghiệp nhờ biết cách làm ăn
Sau nhiều năm làm kinh tế vườn, từ chỗ thiếu thốn tứ bề, nay gia đình ông Trần Văn Thinh, ở xóm 5, thôn Kiên Ngãi, xã Bình Thành (Tây Sơn) đã có thu nhập khá, phát triển cả về đời sống và cơ ngơi sản xuất. Ông Thinh cho biết: “Ngoài làm 6 sào lúa 3 vụ, gia đình còn thâm canh một số loại cây trồng cạn và chăn nuôi gia súc. Làm lúa để lo cho cái ăn, còn thu nhập tích lũy thì trông vào các khoản thu từ cây mì, cây mía, mướp, bầu, dưa hồng, dưa hấu và nuôi bò sinh sản”.
Vụ Đông Xuân hàng năm, ông Thinh xuống giống 15 sào dưa hấu trên nền đất trồng cây mì hoặc cây mía đã thu hoạch theo phương thức “dưa đất lạ, mạ đất quen”. Dứt vụ dưa hấu, ông chuyển sang làm giàn để trồng mướp, bầu cao sản với 8 sào đất/ vụ, cùng lúc trồng thêm 3 - 4 sào dưa hồng. Phụ phẩm đọt mía, lá mía, mầm mía, rơm rạ có sẵn, cộng với cỏ xanh trồng trong vườn nhà là những nguyên liệu phục vụ đắc lực cho việc nuôi bò của ông Thinh. Nhờ tiết kiệm tiền mua thức ăn cho bò mà ông Thinh đã có điều kiện đầu tư nuôi đàn bò với 10 con bò lai sinh sản.
Nhờ cần cù lao động trên cơ sở áp dụng KHKT vào sản xuất, sản phẩm làm ra có thị trường tiêu thụ, những năm gần đây, sau khi trừ chi phí, gia đình ông còn lãi ròng khoảng 100 triệu đồng/năm. Được biết, ông Thinh là một trong số nông dân sản xuất giỏi của xã Bình Thành vừa có chuyến đi giao lưu, học tập kỹ thuật và kinh nghiệm trồng tiêu ở các huyện phía Bắc tỉnh. Về nhà, ông Thinh lên kế hoạch sẽ áp dụng trồng 4 sào tiêu theo cách làm đã tận mắt nhìn thấy ở địa phương bạn để tăng thu nhập.
ĐÀO MINH TRUNG