Tiết kiệm là thế!
Một thông tin từ báo chí trong tuần vừa qua được rất nhiều người quan tâm và bày tỏ sự đồng tình. Đó là việc chính quyền thành phố Hồ Chí Minh quyết định không làm lễ khánh thành các cây cầu mới xây dựng, sắp hoàn thành và chuẩn bị thông xe ở thành phố này.
Cách đây mấy năm, tỉnh ta đã có việc làm tương tự khi quyết định không tổ chức bắn pháo hoa đón giao thừa mừng năm mới như lệ thường, dành nguồn kinh phí dự kiến chi cho việc này mua quà tặng cho các hộ nghèo, các trường hợp khó khăn có điều kiện vui xuân đón tết. Quyết định này cũng đã được dư luận xã hội và nhân dân trong tỉnh hết sức đồng tình, ủng hộ.
Các quyết định không bắn pháo hoa của tỉnh Bình Định hay không làm lễ khánh thành cầu của thành phố Hồ Chí Minh đều được đưa ra cùng với lời giải thích ngắn gọn và có ý nghĩa rất thiết thực: để tiết kiệm và tránh lãng phí ngân sách. Tuy nhiên, chúng ta đều có thể thấy đằng sau lời giải thích ngắn gọn và rõ ràng này là cả một chiều sâu của một tinh thần nhân văn nên được nhân rộng trong mọi mặt của đời sống xã hội. Lâu nay, chúng ta đã thường xuyên được chứng kiến rất nhiều lễ khởi công, khánh thành các công trình hết sức hoành tráng. Tất nhiên đi kèm với mức độ hoành tráng ấy là các khoản chi phí tốn kém tương ứng phải chi ra. Tiền ấy cũng từ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng công trình mà ra, dù có thể định danh bằng một cách nào đó(!). Tiền công trình nhà nước đầu tư cũng là tiền của dân nên tiết kiệm chừng nào là mang lại lợi ích cho dân chừng ấy. Vì vậy, các quyết định nói trên đều là các quyết định rất được lòng dân, có tính thuyết phục cao trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí - một nhiệm vụ hết sức quan trọng mà Đảng và Nhà nước ta đang phát động, đang hết sức nỗ lực để hiện thực hóa nó trong đời sống của đất nước.
Tuy nhiên, nói một cách công bằng thì việc tổ chức các lễ lạc trong các dịp khánh thành hay khởi công những công trình quan trọng cho quốc kế dân sinh cũng là một phần của đời sống xã hội. Bởi lẽ, việc tổ chức lễ nhân các sự kiện này như một dấu mốc trong sự phát triển của một địa phương, sự chuyển động của một vùng đất, có ý nghĩa tích cực động viên tinh thần, tạo nên không khí phấn khởi, tự hào trong nhân dân. Nhưng các sự kiện ấy chỉ có ý nghĩa tích cực trong điều kiện kinh tế phát triển mạnh, nguồn lực tài chính dồi dào. Còn trong điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, kinh phí còn hạn hẹp, nhiều công trình thiết yếu cho đời sống của người dân như bệnh viện, trường học… còn rất thiếu thốn, thì dành được càng nhiều nguồn lực cho các công trình này thiết thực thì càng tốt, do đó việc không tổ chức, hay tổ chức một cách hết sức tiết kiệm, sẽ có ý nghĩa hơn nhiều so với việc tổ chức lễ lạc linh đình.
Nhân nói về chuyện quyết định thực hành tiết kiệm rất thiết thực bằng việc không làm lễ khánh thành cầu hay không bắn pháo hoa để mua quà tết cho người nghèo, nên chăng chúng ta hãy nghĩ đến hình thành nên một “mỹ tục” mới của cả xã hội trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thiết thực và hiệu quả như đã làm nói trên. Tại sao không?
H.Đ