Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị làm việc với UBND tỉnh về lĩnh vực lâm nghiệp
(BĐ) - Sáng 29.11, Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị làm trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh chủ trì buổi làm việc với Đoàn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị phát biểu, ghi nhận và đánh giá cao kết quả tỉnh đạt được. Ảnh: N.T
Báo cáo với Đoàn công tác của Bộ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bùi Tấn Thành cho biết, Bình Định có diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 415 ha; trong đó, diện tích thuộc quy hoạch lâm nghiệp khoảng 379 ha. Tỷ lệ che phủ của rừng tính đến 31.12.2023 là 57,32%.
UBND tỉnh rất quan tâm chỉ đạo và đầu tư cho công tác bảo vệ, phát triển rừng và PCCC rừng. Công tác khoán bảo vệ rừng, khoán khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên được các đơn vị triển khai kịp thời và bảo vệ tốt.
Khai thác rừng trồng, trồng rừng, sản xuất cây giống lâm nghiệp đều đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và các địa phương tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng.
Năm 2024, kế hoạch trồng rừng tập trung là 8.500 ha; đến nay đã trồng được 5.507,23 ha, ước đến cuối năm 2024 đạt 100% kế hoạch.
Ngày 19.7.2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2440/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035. Theo đó, mục tiêu của Đề án đến năm 2025, diện tích trồng rừng gỗ lớn của tỉnh đạt 10.000 ha. Trong năm 2024, đã trồng và chuyển hóa được 200 ha. Lũy kế đến nay diện tích trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh 10.082 ha, đạt 108% chỉ tiêu kế hoạch.
Các đại biểu lắng nghe báo cáo của Sở NN&PTNT. Ảnh: N.T
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành, công ty lâm nghiệp của tỉnh và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định tỉnh đã chia sẻ thực trạng, khó khăn cùng một số đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ. Các thành viên trong Đoàn công tác đã trao đổi, làm rõ một số nội dung và ghi nhận, tổng hợp kiến nghị, đề xuất của tỉnh để tiếp tục nghiên cứu, đưa ra giải pháp tháo gỡ.
Phát biểu với Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc tăng trưởng, phát triển rừng trong những năm qua. Cùng với cả nước, Bình Định xác định rừng có vai trò rất quan trọng, sống còn của một quốc gia, dân tộc. Hàng loạt vụ lũ quét, lũ ống gây thiệt hại nặng nề đều liên quan đến rừng, vì vậy, câu chuyện quản lý rừng phải được tính toán ngay từ khâu quy hoạch. Tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tham mưu theo hướng trả lại hiện trạng rừng tự nhiên, rừng đặc dụng và đặc biệt rừng phòng hộ. Đồng thời tiếp tục rà soát thêm nhiều diện tích khác để trả về đúng chức năng phòng hộ. Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn, tỉnh đã thu hồi một phần diện tích đã giao các lâm trường trước đây thực hiện chức năng sản xuất để cấp cân đối lại cho đồng bào gắn với công tác giao khoán bảo vệ rừng. Tỉnh cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCC rừng.
Để làm tốt hơn nữa mọi nhiệm vụ, UBND tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, bổ sung kinh phí để tỉnh thực hiện Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững, thực hiện nhiệm vụ cấp bách PCCC rừng, hoàn thành Dự án Điều tra xác định hiện trạng rừng tỉnh Bình Định giai đoạn năm 2024 - 2025. Bộ sớm đưa hệ thống truy xuất nguồn gốc gỗ rừng trồng hợp pháp của Việt Nam (Hệ thống iTwood) vào ứng dụng cho việc truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp, giúp cho các doanh nghiệp ngành gỗ thuận lợi hơn trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình theo Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR)…
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả tỉnh đã đạt được trong phát triển ngành lâm nghiệp thời qua và cho biết Đoàn tiếp thu toàn bộ kiến nghị của tỉnh và sẽ trao đổi lại với các cơ quan chuyên môn, yêu cầu xem xét, tham mưu, giải quyết kịp thời và phù hợp.
Thứ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, sớm công bố hiện trạng rừng, tích cực và linh hoạt ứng dụng công nghệ trong công tác bảo vệ, quản lý, kiểm kê rừng, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các DN gỗ trong tỉnh...
NGỌC TÚ