Phân bón hữu cơ - giải pháp thân thiện với môi trường
Khoảng 2 năm trở lại đây, anh Võ Như Vương (ở thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ) tận dụng các loại chất thải hữu cơ gia đình thải ra hằng ngày như đồ ăn thừa, vỏ các loại trái cây và rau, củ, quả hư, bã trà, bã cà phê… ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng, rau màu. Những luống rau thơm, rau cải, xà lách, cúc, mồng tơi anh Vương trồng trong khoảnh vườn nhỏ của gia đình được bón bằng phân hữu cơ tự ủ luôn xanh tốt và đảm bảo sạch, an toàn khi ăn.
Theo anh Vương, thay vì vứt bỏ cùng với rác, các loại chất thải hữu cơ được anh phân loại, để riêng vào thùng, sau đó dùng men vi sinh ủ làm phân hữu cơ bón cho vườn rau nhỏ của gia đình. Cách làm này vừa hạn chế lượng lớn rác thải bỏ ra ngoài để nhân viên vệ sinh thu gom, đưa đi xử lý, vừa có phân bón cho rau màu, tạo nguồn rau sạch để gia đình sử dụng.
Tương tự, nhiều gia đình ở thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát), xã Nhơn Khánh (TX An Nhơn) cũng lựa chọn phân hữu cơ tự ủ để bón cho cây ăn quả, rau màu trồng trong vườn nhà. Việc làm này giúp các gia đình có “nhà sạch, vườn xanh”, sống thân thiện với môi trường và tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho khu dân cư.
Rau, hoa trồng tại vườn nhà bà Mạc Thị Anh Tuyết (thôn Khánh Hòa, xã Nhơn Khánh) phát triển tươi tốt nhờ được bón phân ủ từ chất thải hữu cơ. Ảnh: M.N
Phân hữu cơ có nguồn gốc từ các loại phân và chất thải của gia súc, gia cầm; lá cây, phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp; các chất thải hữu cơ từ sinh hoạt hằng ngày; chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng, được sử dụng rộng rãi trong canh tác và sản xuất nông nghiệp.
Sử dụng phân hữu cơ sẽ giảm lượng phân bón hóa học vô cơ bón vào đất, giúp hạn chế ô nhiễm môi trường đất. Bởi khi bón phân hóa học vô cơ cho cây trồng sẽ gây tình trạng thừa đạm, thừa kim loại nặng trong đất, lâu dần làm giảm chất lượng đất và tăng lượng phát thải khí nhà kính.
“Việc ủ chất thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng là cách tốt nhất để tái chế và tận dụng loại chất thải này. Qua đó, giúp tiết kiệm không gian cho các bãi chôn lấp, giảm chi phí và năng lượng sử dụng để xử lý rác thải, giảm lượng khí Mê tan sinh ra trong quá trình chất thải hữu cơ phân hủy tự nhiên”, TS Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), thông tin.
MINH NHÂN