Phù Cát phát huy tốt vai trò tổ công tác IUU
Cùng với đội ngũ cán bộ, đảng viên được phân công phụ trách từng chủ tàu cá trên địa bàn, thời gian qua, các tổ công tác phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) của huyện Phù Cát có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy định về chống khai thác IUU trong cộng đồng.
Theo thống kê, Phù Cát hiện có 1 tổ công tác phòng chống IUU cấp huyện và 15 tổ cấp xã, thị trấn. Trong đó, thị trấn Cát Khánh có 6 tổ, xã Cát Hải 4 tổ, xã Cát Minh 3 tổ, xã Cát Thành và thị trấn Cát Tiến mỗi địa phương có 1 tổ. Nhiệm vụ của tổ là đầu mối cung cấp thông tin liên quan đến số lượng tàu cá; giám sát, xác định vị trí, địa điểm tàu đang neo đậu tại địa phương và ngoài tỉnh; gặp gỡ chủ tàu, thuyền trưởng để tuyên truyền, vận động, ký cam kết không vi phạm IUU; phối hợp tham gia hoạt động với các cấp, ngành...
Chung sức, đồng lòng
Liên tục trong gần 1 tháng (từ 25.10 - 21.11), Tổ công tác phòng, chống IUU (sau đây gọi là tổ công tác) của huyện đã phối hợp với Tổ công tác của xã Cát Minh tổ chức đợt cao điểm tuần tra xuyên đêm trên đầm Đề Gi, nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác thủy sản trái phép trên đầm, đặc biệt là ngăn chặn nguy cơ nạn xung điện - xiếc máy tái diễn.
Tuy không phát hiện trường hợp vi phạm nào, nhưng ông Lương Văn Khoa - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện, Tổ trưởng Tổ công tác huyện, vẫn không yên tâm, vì dù 100% chủ phương tiện khai thác thủy sản trái phép đã ký cam kết chấp hành quy định, nhưng chỉ 69 trong tổng số 73 tàu xung điện -xiếc máy tự tháo gỡ gọng xiếc, dừng hoạt động. 4 tàu còn lại (Cát Minh 2 tàu, Cát Khánh 2 tàu) vẫn đang neo đậu trên đầm, chưa tháo gỡ gọng xiếc.
“Thành viên của các tổ sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức. Đồng thời, tích cực bám sát, theo dõi, sớm phát hiện những hành vi vi phạm và tiếp tục tuần tra, kiểm soát trên đầm Đề Gi. Đối với các tàu cố tình chây ì, trốn tránh không tháo gỡ gọng xiếc và tàu đã tự tháo gỡ gọng xiếc nhưng tái lắp gọng để hoạt động, các tổ sẽ báo cáo và đề xuất UBND các xã tổ chức tháo gỡ và tiêu hủy gọng xiếc”, ông Khoa cho hay.
Chiều 27.11, ông Phạm Hồng Chiến - Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ thôn Xuân An (xã Cát Minh), thành viên tổ công tác của xã tranh thủ ghé qua nhà một số chủ tàu cá đánh bắt xa bờ thăm hỏi. Ông Chiến cho biết, cả thôn có 8 tàu cá đánh bắt xa bờ, từ năm 2021 đến nay chưa có chiếc nào xâm phạm vùng biển nước ngoài. Ông chia sẻ: “Tôi và các anh em hay đến nhà ngư dân, nhỏ to phân tích, hành vi xâm phạm vùng biển nước ngoài làm cá, mực mình không xuất khẩu được, kể cả việc nuôi trồng thủy sản trong nước cũng gặp khó khăn nhiều lắm…”.
Tổ công tác của huyện gặp gỡ, vận động, thuyết phục chủ tàu câu mực hoạt động ở ngư trường miền Nam lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: Tổ công tác cung cấp
Tăng cường vận động, giám sát
Thống kê đến ngày 27.11, huyện Phù Cát có 162 tàu cá dài từ 12 m đến dưới 15 m hành nghề câu mực/mành mực, thường xuyên hoạt động khai thác ngư trường ở các tỉnh phía Nam, hằng năm không đưa tàu về địa phương (đây là số tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài). Qua tuyên truyền, vận động, 116 tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ trên 70%; chỉ còn 46 tàu chưa lắp đặt, trong đó nhiều tàu đang nằm bờ.
Theo ông Trịnh Minh Bình, Chủ tịch UBND xã Cát Minh, xã có 80/101 tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trong đó, 21 tàu chưa lắp vì đang nằm bờ, không đi khai thác. Toàn bộ 80 tàu dài từ 6 m đến dưới 12 m đều được cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và giấy phép khai thác thủy sản. Kết quả khá tích cực này là nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị của xã trong thời gian qua, trong đó có tổ công tác xã và đội ngũ cán bộ, đảng viên được phân công phụ trách từng tàu cá trên địa bàn.
“UBND xã sẽ chỉ đạo tổ công tác phối hợp cùng các bên liên quan tiếp tục rà soát thông tin chi tiết về chủ tàu, thuyền trưởng, nghề khai thác, ngư trường, điều kiện kinh tế gia đình, nơi xuất bến, nơi neo đậu, số điện thoại liên hệ. Đặc biệt, các tàu có nguy cơ cao vi phạm sẽ được phân loại để tập trung tuyên truyền, vận động và giáo dục về tác hại của vi phạm khai thác IUU. Các chủ tàu có liên quan đến những tàu bị bắt từ năm 2018 cũng sẽ được theo dõi và tư vấn về chuyển đổi nghề nghiệp”, ông Bình cho biết.
Thị trấn Cát Khánh đã lọc ra 8 tàu cá có nguy cơ cao xâm phạm vùng biển nước ngoài và đang yêu cầu tổ công tác tích cực vào cuộc nhiều hơn trong thời gian tới. Ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND thị trấn Cát Khánh, kỳ vọng: “Sự đoàn kết tạo ra sức mạnh trong cộng đồng dân cư luôn là yếu tố rất quan trọng trong việc phát hiện, ngăn chặn ý định, hành vi vi phạm IUU. Tổ công tác đang thu hút nhiều người cùng cộng đồng trách nhiệm, hy vọng sẽ tạo ra chuyển biến tích cực”.
N.TÚ - N.QUỲNH - T.NGÂN