Có phải em mang trên áo bay...
Tạp bút của BẢO NHI
Tôi không rõ chính xác áo dài có tự khi nào nhưng khi lần tìm xuất xứ của áo dài thì đa phần các tài liệu đều cho rằng tiền thân áo dài được gọi là áo ngũ thân cổ đứng và áo dài được định hình từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739 - 1765). Theo tháng năm, áo dài có những cách tân thay đổi nhưng về cơ bản vẫn giữ hai phần chính: Phần trên ôm lấy cơ thể, tôn lên nét đẹp hình thể và phần dưới tạo nét mềm mại, thướt tha bay bổng.
Áo dài đã quen thuộc trong đời sống nhiều người. Ngay từ bé, tôi đã thấy mẹ tôi, các chị tôi, những cô bạn cùng lớp cùng trường, đẹp nền nã trong tà áo dài. Ở quê, các mẹ các cô hay mặc áo dài vào dịp cưới hỏi. Đây là trang phục được họ nâng niu gìn giữ. Tôi còn nhớ ngày trước, duy chỉ trang phục áo dài được mẹ treo trong chiếc tủ đứng khắc chạm rồng phượng. Chỉ những gì thực sự quý giá mới được mẹ cất giữ trong tủ ấy. Và tôi cũng không sao quên được cái cách mẹ mang áo dài ra, trải lên chiếc mền được gấp làm đôi, khẽ khàng ủi chiếc áo dài với từng nét đi êm như ru. Khi ướm áo vào người, anh em tôi trầm trồ thốt lên: “Đẹp quá!” thì nụ cười của mẹ thêm đằm thắm nồng hậu.
Bao nhiêu năm đi qua, bóng dáng chiếc áo dài và hồi ức về những người phụ nữ thân thương dịu mát một miền ký ức trong tôi. Tôi nhớ những cô bạn cùng trường thuở nào hồn nhiên xa ngái. Hình ảnh cô nữ sinh với chiếc áo dài màu trắng tinh khôi trên chiếc xe đạp đến trường sao mà duyên lạ duyên lùng, giờ vẫn khiến tôi xao xuyến mỗi khi nhớ lại. Bởi thế, khi đọc được bài thơ Tương tư của nhà thơ Nguyên Sa, tôi phần nào đồng cảm được với xúc cảm của ông khi ông viết về vẻ đẹp của người thiếu nữ trong chiếc áo dài: “Có phải em mang trên áo bay,/ Hai phần gió thổi, một phần mây/ Hay là em gói mây trong áo,/ Rồi thổi cho tà áo trắng bay”.
Đến hiện tại, áo dài truyền thống đã quá đỗi gần gũi với người Việt, thậm chí được xem là “quốc phục” trong tâm tưởng nhiều người.
Tranh của họa sĩ NGUYỄN QUÝ TÂM
Có lần, tôi gặp chị Bi, là một trong số ít người may áo dài đã khẳng định “thương hiệu” tại An Nhơn. Tiệm may của chị nằm lặng lẽ nơi góc cuối đường Quang Trung ở phường Bình Định. Với áo dài, chị đã gắn bó hơn 20 năm. Suốt nhiều năm qua, chiếc máy may, thước đo, cây kéo, xấp vải đủ màu sắc, những cuộn chỉ to tướng là người bạn thân thiết của chị. Bị khuyết tật từ bé, chị ở vậy để kề cận chăm sóc cha. Công việc may mặc, những người khách quen thân thuộc xa gần hay đến tiệm như xua đi quạnh quẽ đời chị. Sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng đường kim mũi chỉ, từng cách chọn vải, tạo phom dáng trang phục phù hợp với từng đối tượng khách hàng đã giúp “áo dài cô Bi” hữu xạ tự nhiên hương.
Nhìn đôi bàn tay của chị với đường kim mũi chỉ linh hoạt thực hiện thao tác luôn áo, mới thấy được sự lành nghề của thương hiệu “áo dài cô Bi”. Tà áo chị luôn thẳng mượt, không hề chênh phô, không lộ chỉ. Chị nói: “Luôn là công đoạn nhọc công nhất, mình phải “giấu” sợi chỉ đi không để lộ ra ngoài”. Thấy tôi tấm tắc, chị xua tay: “Mình làm vầy đã là gì đâu, ngày xưa, các bà còn rút chỉ từ vải ra “luôn”, tỉ mỉ đến từng chút một, hết sức công phu”. Nhìn nét áo đường may của chị cùng nhiều thợ may lành nghề khác, tôi mường tượng xa xôi đến những dáng áo bay bay trong gió chớm cùng nụ cười hiền dịu của những nữ khách hàng quê tôi.
Theo nhịp sống đương đại, áo dài vẫn nghiễm nhiên “ngôi hậu”, nhưng đôi khi, việc lạm dụng hình ảnh áo dài đã khiến nhiều người vốn quen với những thanh thoát nền nã trong nét áo dài truyền thống không khỏi chạnh lòng.
Những năm gần đây, khi xem một số show diễn áo dài trong các cuộc thi, có lúc tôi mê mẩn theo từng làn áo bay, thướt tha theo bước chân duyên dáng, thanh thoát. Nhưng cũng có lúc, phải thú thật rằng, tôi cảm thấy... tội cho chiếc áo dài, bởi nó “gánh” quá nhiều những “ý đồ nghệ thuật” của nhà thiết kế, khiến cho chiếc áo trở nên cầu kỳ và nặng nề. Tôi không đồng tình với những cách tân thô bạo khiến cho áo dài trở nên biến thể, không còn là nó nữa.
Thật may, khi ghé thăm các cơ sở may áo dài truyền thống, xem các mẫu thiết kế, ngắm nhìn những phụ nữ quê mình trong trang phục bộ áo dài truyền thống, tôi không hề có cảm giác lợn cợn nặng nề ấy. Áo dài theo từng nhịp bước người đi, từng vạt gió thu nhẹ nhàng lay lay, làm cho người phụ nữ quê tôi duyên dáng lạ kỳ, tạo nên sự dịu mát trong tâm hồn, để cả người mặc và người chiêm ngắm đều thấy thương, thấy yêu quý hơn tà áo quê hương mình.