Viêm khớp gối và các biện pháp phòng tránh
Viêm khớp gối là tình trạng rất thường gặp, một số người đã giảm đau bằng cách tiêm steroid hoặc axit hyaluronic. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đã phát hiện, việc tiêm steroid trị viêm khớp gối có thể khiến bệnh tiến triển nhanh hơn.
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, tuổi càng cao thì nguy cơ thoái hóa xương khớp và mắc bệnh lý xương khớp càng tăng. Thoái hóa khớp gối là quá trình lão hóa tự nhiên hoặc các yếu tố như tai nạn, vận động quá sức, ăn uống không đủ chất.
Viêm khớp dạng thấp cũng có thể dẫn đến nguy cơ viêm khớp gối. Đây là loại bệnh lý ảnh hưởng đến màng hoạt dịch, sụn khớp, đầu xương dưới sụn dẫn đến bị đau, cứng khớp. Nếu không điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến tình trạng biến dạng khớp hoặc dính khớp. Các công việc liên quan đến hoạt động mạnh cũng có thể dẫn đến chấn thương khớp như quỳ, ngồi xổm, nâng tạ nặng gây áp lực lên khớp, dẫn đến nguy cơ đau khớp gối cao.
Tình trạng loãng xương cũng có thể dẫn đến viêm khớp gối. Với những người cao tuổi thì khó tránh khỏi các bệnh viêm khớp gối, bởi vì sụn và chất nhờn khớp đã bị suy yếu dần. Viêm bao hoạt dịch khớp cũng dẫn đến tình trạng viêm khớp gối. Chấn thương đầu gối làm tăng nguy cơ gây viêm bao hoạt dịch và khớp gối bị cứng, đau.
Biểu hiện thường thấy là các cơn đau nhức do viêm khớp gối thường âm ỉ. Một số trường hợp có thể khởi phát đột ngột. Cơn đau nhức thường xuất hiện vào buổi sáng khi thức dậy hay sau giấc ngủ ngắn giữa ngày. Khi bệnh chuyển nặng, tình trạng đau nhức có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Viêm khớp gối khiến tình trạng sưng đỏ quanh khớp. Người bệnh viêm khớp gối có thể bị cứng khớp gối.
Viêm khớp gối nếu không được phát hiện sớm hoặc hướng điều trị không phù hợp, sẽ chuyển nhanh với những biến chứng như teo cơ, biến dạng khớp hoặc dính khớp, suy giảm chức năng vận động… Chính vì vậy, mỗi người cần phải chủ động phòng ngừa bằng cách thay đổi lối sống nhằm ngăn chặn các yếu tố, nguy cơ gây bệnh như kiểm soát cân nặng và tránh tình trạng tăng cân nhiều. Hạn chế mang vác các vật nặng. Cần làm việc, sinh hoạt trong các tư thế đúng. Tập thể dục thường xuyên, đều đặn. Có biện pháp bảo vệ đầu gối khi chơi thể thao hoặc làm việc nặng. Hằng ngày bổ sung các dưỡng chất và vitamin tốt cho xương khớp như vitamin C, vitamin D, canxi, collagen, protein, magie…
Một số nhóm thực phẩm người bệnh nên bổ sung bao gồm thực phẩm chứa nhiều acid béo Omega - 3 như: Cá ngừ, cá hồi, cá thu, cá trích… Thực phẩm bổ sung canxi như thịt heo, thịt gia cầm, tôm, cua… sẽ giúp tăng cường sức khỏe cho hệ xương khớp. Các loại ngũ cốc, đậu nành, rau xanh hỗ trợ tăng cường miễn dịch và chống ôxy hóa. Các loại trái cây chứa nhiều men kháng viêm và vitamin C như đu đủ, dứa, chanh, cam… cũng giúp kháng viêm rất tốt và tăng cường độ dẻo dai cho khớp. Điều quan trọng là cần khám sức khỏe định kỳ, khi có những dấu hiệu bất thường ở khớp gối nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)