Lo dịch cúm, người dân gấp rút đi tiêm vắc xin
Ngay sau khi có thông tin 4 trường hợp tử vong do mắc cúm A(H1N1) tại Bình Ðịnh, vài ngày gần đây rất nhiều người dân đi tiêm vắc xin ngừa cúm.
Tăng vọt số người đi tiêm ngừa cúm
Ghi nhận của chúng tôi trưa 30.11, tại Trung tâm Tiêm chủng vắc xin VNVC Quy Nhơn có rất đông người dân ngồi chờ đến lượt tiêm, phần lớn tiêm vắc xin ngừa cúm A(H1N1).
Ngồi chờ tiêm, chị Lê Thị Thanh Ngọc cho hay: Tôi gác việc mua bán tranh thủ đưa con gái Nguyễn Lê Kỳ Duyên (10 tuổi) từ phường Trần Quang Diệu (Quy Nhơn) đi tiêm vắc xin cúm. Tưởng đi buổi trưa thì ít người, chứ đâu biết đông thế này. Đợt này, tôi ưu tiên tiêm ngừa cho con, hai vợ chồng tiêm sau.
Người dân chờ đến lượt tiêm vắc xin cúm A(H1N1) tại VNVC Quy Nhơn, trưa 30.11. Ảnh: M.H
Nhiều trường hợp cả nhà dắt nhau đi tiêm vắc xin cúm. Chị Lê Thị Tường Vy (ở phường Đống Đa, Quy Nhơn) đưa mẹ là bà Lâm Thị Tuyết Hồng (SN 1968) và cháu ruột Lê Nguyễn Ngọc Hà (SN 2015) đi tiêm vắc xin. “Mẹ tôi mắc bệnh tiểu đường, đọc báo thấy bảo đây là bệnh nền rất nguy hiểm khi mắc cúm nên tôi đưa mẹ đi tiêm vắc xin. Mấy hôm trước, tôi đã đưa hai con gái đang học mẫu giáo đi tiêm rồi”, chị Vy cho hay.
Bà Cao Thị Thùy Dung, Giám đốc VNVC phụ trách 3 trung tâm tiêm chủng tại Bình Định, cho hay, gần đây, bệnh cúm ghi nhận nhiều ca mắc và tử vong, nên người dân lo lắng, chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cũng như các biến chứng. “Bình thường, chúng tôi ngưng nhận đăng ký tiêm vắc xin từ 17 giờ, nhưng mấy ngày nay đều phải giãn thêm đến tối vì người dân đến tiêm đông. Riêng trong tuần qua, số lượt tiêm vắc xin ngừa cúm tăng đột biến, hơn 200% so với những ngày bình thường trước đó. Thời điểm trước khi xuất hiện ca tử vong do cúm A(H1N1), bình quân mỗi ngày có khoảng 100 liều tiêm, thì tuần vừa rồi vọt lên 200 - 300 liều tiêm, riêng hôm cuối tuần ngày 30.11 tăng đột biến lên 400 liều tiêm.
Không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc xin ngừa cúm hiện được tiêm theo dịch vụ. Bình thường, Trung tâm tiêm chủng Thu Phúc (Quy Nhơn) có khoảng chục người tiêm vắc xin ngừa cúm A(H1N1) thì trong tuần qua cũng tăng lên 30 người tiêm/ngày; riêng ngày 30.11, chỉ một buổi sáng đã vọt lên 60 trường hợp tiêm vắc xin này. “Người dân chuộng vắc xin cúm A(H1N1) của Pháp, đến giờ vắc xin loại này đã “khan”, nên chúng tôi nói rõ để người dân chuyển sang dùng loại vắc xin của Hà Lan, Hàn Quốc”, Giám đốc trung tâm Nguyễn Võ Thị Huyền Trân chia sẻ.
Những ai cần tiêm vắc xin cúm?
Tại cơ sở tiêm chủng vắc xin Minh Tâm (phường Bồng Sơn, Hoài Nhơn), bình thường vắc xin cúm tiêm 10 - 15 mũi/ngày, nhưng gần một tuần nay đã tăng lên 50 - 60 mũi/ngày. Ông Võ Văn Minh, đại diện phòng tiêm chủng, cho biết: Nhóm khách hàng chủ yếu tiêm vắc xin này là trẻ 6 tháng - 2 tuổi và trên 60 tuổi. Hiện tại, chúng tôi không thiếu vắc xin, các công ty cung ứng cũng báo hàng không bị đứt nên người dân không cần lo lắng.
Trong khi chờ theo dõi 30 phút sau tiêm vắc xin cúm A(H1N1), ông Lê Đức Liêm (64 tuổi, ở Bồng Sơn, Hoài Nhơn), cho biết: Đọc báo thấy thông tin đã có người chết do bệnh cúm này tại tỉnh mình nên tôi lo lắm. Tôi không có bệnh nền, nhưng lớn tuổi rồi, chủ động đi tiêm vắc xin để ngừa cho mình và bảo vệ cộng đồng.
Theo bác sĩ Lê Trung Hiếu, Trung tâm Tiêm chủng vắc xin VNVC Quy Nhơn, trẻ em từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tuổi và chưa từng tiêm vắc xin cúm trước đây, tiêm 2 mũi cơ bản cách nhau tối thiểu một tháng. Trẻ từ 9 tuổi trở lên và người lớn tiêm một mũi. Mỗi người cần tiêm 1 mũi nhắc lại hằng năm để phòng những chủng cúm mới lưu hành và thay đổi theo từng năm. Phụ nữ nên tiêm phòng cúm trước và trong thai kỳ, tốt nhất từ tháng thứ 3 trở đi để bảo vệ sức khỏe, truyền kháng thể thụ động cho con. Vắc xin cúm có hiệu quả phòng bệnh lên đến 90% và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Đồng thời, lưu ý vắc xin cúm không được tiêm phòng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, người bị dị ứng nghiêm trọng với thành phần của vắc xin; người đang sốt cấp tính hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng nặng, người mới điều trị chống ung thư hoặc điều trị bằng steroid… cần hoãn tiêm cho đến khi tình trạng bệnh ổn định.
Tuyên truyền cho người dân hiểu
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Bộ Y tế về công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm ngày 28.11, Cục Y tế Dự phòng cho hay, cả nước có hơn 264 nghìn ca mắc cúm mùa, trong đó có 8 trường hợp tử vong tại Bình Định (4), Hà Nội (2), Khánh Hòa (1), Phú Yên (1). Khí hậu mùa Đông Xuân hiện nay rất thuận lợi cho bệnh lây lan.
Trong tháng 10 - 11.2024, Bình Định có 11 ca cúm A(H1N1), trong đó 4 ca tử vong tại Phù Mỹ, Vĩnh Thạnh. Giám đốc Sở Y tế
Lê Quang Hùng yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường giám sát các triệu chứng lâm sàng của cúm để sàng lọc bệnh. Đồng thời, chú ý tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng bệnh, nhất là tiêm vắc xin. Hiện vắc xin này không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, việc tuyên truyền phải cụ thể để người dân hiểu, đến cơ sở tiêm dịch vụ.
MAI HOÀNG