Quy định xét tuyển sớm vào đại học: Cần phối hợp đồng bộ để đảm bảo hiệu quả
Quy định xét tuyển sớm vào đại học của Bộ GD&ĐT mở ra cơ hội định hướng ngành nghề rõ ràng cho học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, quy định đặt ra nhiều vấn đề trong việc đảm bảo hiệu quả thực hiện và quyền lợi của học sinh.
Theo đó, Bộ yêu cầu các trường thực hiện xét tuyển sớm và công bố kết quả trước kỳ thi tốt nghiệp THPT để tạo điều kiện cho thí sinh sắp xếp kế hoạch học tập phù hợp. Điều này giúp học sinh tập trung ôn luyện các môn thi tốt nghiệp theo ngành học xác định và chọn trường đại học phù hợp; giúp học sinh giảm áp lực trong việc lựa chọn ngành nghề vào phút chót.
Tuy nhiên, nội dung này đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là các trường THPT ở vùng khó khăn. Vì, thời gian xét tuyển sớm khiến công tác chuẩn bị và hướng dẫn hồ sơ trở nên gấp gáp, khi phải đảm bảo đầy đủ thông tin cho học sinh, trong khi đó đội ngũ nhân lực thiếu nhiều, tài liệu cập nhật từ các trường đại học chưa kịp thời.
Mặt khác, cách thức xét tuyển của các trường đại học không đồng đều. Quy định mới của Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đại học công bố điều kiện và kết quả xét tuyển trước ngày 15.7, song nhiều trường THPT cho rằng điều này tạo áp lực không nhỏ cho học sinh khi phải nộp nhiều loại hồ sơ trong thời gian ngắn. Thậm chí, các trường đại học yêu cầu khác nhau, gây khó khăn cho học sinh.
Do vậy, các trường đại học cần phối hợp chặt chẽ với các trường THPT để cung cấp thông tin tuyển sinh đầy đủ, tránh tình trạng hiểu nhầm hoặc thiếu sót. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng cần xem xét hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ thông tin và tư vấn cho các trường THPT, đặc biệt ở khu vực nông thôn, nhằm giảm thiểu áp lực.
Nhìn chung, quy định xét tuyển sớm là một bước tiến đáng ghi nhận, nhưng để đạt hiệu quả tối đa, cần có sự điều chỉnh phù hợp từ cả Bộ GD&ĐT, các trường đại học và THPT; tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tiếp cận cơ hội giáo dục đại học phù hợp và công bằng, như vậy mới đem đến hướng tuyển sinh bền vững, đảm bảo quyền lợi cho học sinh.
HỒ ÐIỆP