Dành yêu thương cho những “em nuôi”
Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn có thể dẫn đến nguy cơ một số học sinh bỏ học giữa chừng, các tổ chức Ðoàn trên địa bàn tỉnh đã nhận làm “em nuôi của Ðoàn” để hỗ trợ, giúp đỡ các em được đến trường, tiếp tục ước mơ con chữ và trở thành người có ích cho xã hội.
Gắn bó, sẻ chia
Ríu rít đón chị Phạm Mỹ Hạnh, Phó Bí thư Đoàn phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn) đến thăm, “em nuôi” Nguyễn Thị Mỹ Duyên (SN 2013, ở phường Ngô Mây) không ngừng kể về một ngày học tập ở trường. Nhìn khuôn mặt sáng với nụ cười rạng rỡ, thơ ngây, ít ai biết, phía sau Duyên là một câu chuyện buồn.
Chị Phạm Mỹ Hạnh đến tận nhà, giảng bài thêm cho Nguyễn Thị Mỹ Duyên sau giờ học trên lớp. Ảnh: D.L
Duyên là trẻ mồ côi được một phụ nữ đơn thân là bà Nguyễn Thị Mỹ (SN 1967) nhận nuôi từ nhiều năm trước. Bà Mỹ tuy thương Duyên nhưng chậm chạp hơn người thường, lại phải chăm sóc thêm bố mẹ ruột đã 90 tuổi, bệnh tật triền miên. Thương hoàn cảnh của Duyên, Đoàn phường nhận đỡ đầu em từ năm 2021 và thường tới lui nhà khi để tặng quà, khi để giảng bài…
Vừa trò chuyện với chị Hạnh, Duyên vừa tâm sự: “Khi chị Hạnh đến, ngày hôm đó của em sẽ thêm vui. Chị hay hướng dẫn em làm bài tập về nhà, nghe em kể về bạn bè, trường lớp và đôi khi còn tặng những món quà bất ngờ. Chị Hạnh thân thuộc như chị ruột của em vậy”.
Không chỉ mang đến niềm vui cho em nuôi, sự quan tâm của những “anh chị áo xanh” còn làm yên lòng phụ huynh. Sinh ra trong hộ cận nghèo, bé Nguyễn Kiều Thúy Anh (SN 2019, ở xã Hoài Sơn, TX Hoài Nhơn) chịu nhiều thiệt thòi khi bố là người khuyết tật, mẹ mắc bệnh tim, cứ 3 tháng phải ra Huế khám 1 lần. Thế nên, dù rất muốn, bố mẹ cũng không thể chăm chút cho bé như những gia đình khác.
Chị Lê Thị Phụng (SN 1998), mẹ Thúy Anh tâm sự: “Hè năm 2023, Xã đoàn liên hệ tôi, đề nghị hỗ trợ tiền bán trú để bé được đến trường như các bạn nhỏ khác trong xã và sẽ đỡ đầu bé cho đến khi hết cấp II. Từ dạo ấy, Xã đoàn thường xuyên sang nhà thăm, tặng thêm quà cho bé. Tôi xúc động lắm khi thấy con được mọi người chở che…”.
Tại những xã vùng cao, việc nhận “em nuôi” dẫu còn nhiều khó khăn nhưng cũng có không ít sự nỗ lực. Đỡ đầu em Mai Thị Linh (SN 2009, dân tộc Chăm, ở xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh) từ 6 năm nay, Xã đoàn Canh Hiệp đã hỗ trợ em vượt qua khó khăn bởi mẹ Linh mất khi em mới 6 tuổi, cha thì bỏ đi biệt xứ, Linh lớn lên nhờ bà ngoại nuôi nấng, nhưng nay bà cũng đã 80 tuổi…
Anh Lê Viết Quang, Bí thư Xã đoàn Canh Hiệp, cho hay: “Linh thiếu vắng tình thương nên khi mới tiếp cận, em khá rụt rè và khó mở lòng. Tuy nhiên, chúng tôi lo em vì khó khăn, dễ bỏ học nên động viên nhau kiên trì, thường gặp để trò chuyện, lắng nghe em. Em cũng hứa với chúng tôi là sẽ cố gắng học đến nơi đến chốn, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn”.
Yêu thương nhiều hơn, hỗ trợ nhiều hơn nữa
Hiện nay, 100% cơ sở đoàn trên toàn tỉnh đã triển khai Cuộc vận động “Đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa”, qua đó nhận đỡ đầu 415 trẻ em.
Chị Huỳnh Thị Thanh Nguyệt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, cho biết: “Vốn chịu nhiều thiệt thòi nên các “em nuôi” sẽ cần nhiều thời gian để mở lòng hơn. Do đó, mỗi cán bộ đoàn cần nhẫn nại, lắng nghe để các em tin tưởng, chịu chia sẻ; đồng thời, cần linh động các hình thức hỗ trợ phù hợp với hoàn cảnh, mong muốn của mỗi em”.
Trực tiếp kề cận, sát cánh cùng “em nuôi”, mỗi cơ sở đoàn có cách hỗ trợ hiệu quả riêng. Hiện có 15 “em nuôi” (chưa tính những em do phối hợp với các đơn vị bạn nhận đỡ đầu), Xã đoàn Hoài Sơn (TX Hoài Nhơn) đã đa dạng các nguồn hỗ trợ, đảm bảo trẻ nào cũng được quan tâm, chia sẻ.
Ngoài quỹ hoạt động thông thường, Xã đoàn đã kết nối với các nhà hảo tâm đóng góp hằng tháng, xây dựng nguồn quỹ Thắp sáng ước mơ, đồng thời vận động thêm các DN, cá nhân trên địa bàn để đóng phí bán trú, tặng sách vở, đồ dùng học tập, trao học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi, các em đạt thành tích cao trong học tập hay kêu gọi, hỗ trợ đột xuất cho trẻ mắc bệnh hiểm nghèo.
Theo chị Nguyễn Thị Thúy Ái, Bí thư Xã đoàn Hoài Sơn, với số lượng “em nuôi” khá lớn, Đoàn Thanh niên xã cần chủ động các nguồn lực nhằm chắc rằng, mỗi em đều được hỗ trợ tối đa và phù hợp với nhu cầu.
Khác với Xã đoàn Hoài Sơn, Đoàn phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn) lại quan tâm nhiều hơn việc “tô điểm” cho đời sống tinh thần của các em. Mỗi năm, ngoài những suất học bổng, bộ đồng phục mới, các “em nuôi” còn được tạo điều kiện tham gia các lớp học kỹ năng miễn phí như bơi lội, thanh nhạc…
Chị Phạm Mỹ Hạnh, Phó Bí thư Đoàn phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn), thông tin thêm: “Chúng tôi muốn tạo sân chơi để kết nối những “em nuôi”, vừa rèn thêm kỹ năng mới, mang lại niềm vui, giúp các em thư giãn sau giờ học. Song song với đó, chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến việc cung cấp kiến thức về giới tính cho những trẻ đang trong độ tuổi dậy thì. Đây là khía cạnh rất quan trọng, cần được truyền tải một cách tế nhị, dễ hiểu để các em từng bước trưởng thành một cách an toàn, khỏe mạnh”.
DƯƠNG LINH