Làng Hà Văn Trên với du lịch sinh thái cộng đồng
Mô hình phát triển du lịch cộng đồng sinh thái tại làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận (huyện Vân Canh) là đề tài do TS Nguyễn Minh Huân và Th.S Nguyễn Hiếu Tín từ Trường ĐH Tôn Đức Thắng chủ trì, đã chỉ ra tiềm năng lớn để xây dựng mô hình du lịch bền vững; không chỉ góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương mà còn bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Bana.
Nhiều tiềm năng phát triển du lịch
Thông qua nghiên cứu thực tế, nhóm nghiên cứu đã nhận diện được ba nhóm yếu tố quan trọng cho việc phát triển du lịch cộng đồng sinh thái tại làng Hà Văn Trên: Thiên nhiên, văn hóa và con người. TS Nguyễn Minh Huân cho biết: “Làng Hà Văn Trên được thiên nhiên ưu ái với khung cảnh hùng vĩ của những ngọn núi, rừng già và thác nước tuyệt đẹp. Điều kiện tự nhiên ở đây rất lý tưởng cho các hoạt động du lịch ngoài trời như trekking, khám phá hệ sinh thái và du lịch sinh thái. Đặc biệt, không gian yên tĩnh, cách xa các đô thị lớn, phù hợp cho những ai muốn tìm kiếm sự thư giãn trong không gian thôn dã và tĩnh lặng”.
Ngoài tiềm năng về thiên nhiên, văn hóa người Bana là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc thu hút du khách. “Làng có bản sắc văn hóa độc đáo, thể hiện qua những nghề thủ công như dệt thổ cẩm, các lễ hội cồng chiêng và múa xoang, vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Đặc biệt, nghề dệt thổ cẩm có giá trị rất lớn, không chỉ là sản phẩm truyền thống mà còn có thể phát triển thành sản phẩm du lịch độc đáo. Cùng với đó, các lễ hội cồng chiêng hay múa xoang cũng là những hoạt động văn hóa có thể tổ chức để phục vụ du khách”, TS Huân chia sẻ.
Suối Đá ở làng Hà Văn Trên là điểm đến thú vị cho du khách. Ảnh: DŨNG NHÂN
Cộng đồng người Bana ở làng Hà Văn Trên đã bắt đầu tham gia cung cấp các dịch vụ cơ bản như hướng dẫn du lịch, homestay và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. “Nếu được đào tạo đầy đủ về kỹ năng và kiến thức du lịch, cộng đồng sẽ trở thành những người chủ chốt trong việc vận hành mô hình du lịch cộng đồng bền vững tại địa phương”, Th.S Nguyễn Hiếu Tín nhận định.
Để đánh giá nhu cầu và sự hứng thú của du khách, nhóm nghiên cứu đã tổ chức các tour du lịch để du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm làng Hà Văn Trên. Th.S Nguyễn Hiếu Tín cho biết thêm: “Du khách rất quan tâm đến du lịch sinh thái và cộng đồng. Họ đặc biệt thích thú khi được tham gia vào các hoạt động thường ngày của người Bana như học cách dệt thổ cẩm, thưởng thức các món ăn dân dã, hay tham gia các chuyến trekking vào các khu rừng, thác nước xung quanh làng. Các hoạt động cắm trại, câu cá, leo núi cũng được du khách yêu thích”.
Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của người Bana ở làng Hà Văn Trên. Ảnh: DŨNG NHÂN
Hiến kế phát triển bền vững
Để mô hình du lịch cộng đồng sinh thái tại làng Hà Văn Trên phát triển bền vững, nhóm nghiên cứu đã đề xuất 4 nhóm giải pháp chính. TS Nguyễn Minh Huân nhấn mạnh: “Đầu tiên, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền địa phương. Chính quyền cần đầu tư cơ sở hạ tầng, bao gồm giao thông, điện, nước và hệ thống thông tin liên lạc để kết nối làng với các khu vực lân cận. Bên cạnh đó, cần có các chương trình hỗ trợ tài chính cho người dân, giúp họ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để cải thiện dịch vụ homestay, phát triển các sản phẩm thủ công và mở rộng các hoạt động du lịch khác”.
Ngoài ra, việc đào tạo kỹ năng cho người dân địa phương là vô cùng quan trọng. TS Huân chia sẻ thêm: “Cộng đồng cần được đào tạo về các kỹ năng quản lý du lịch, phục vụ khách du lịch, tổ chức các hoạt động văn hóa. Chính quyền và các tổ chức du lịch nên phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch, giúp người dân có đủ kiến thức và kỹ năng để cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp. Đồng thời, cần xây dựng các tour du lịch kết nối giữa các địa phương, bao gồm dịch vụ homestay, tham quan làng nghề truyền thống, khám phá thiên nhiên và tham gia vào các hoạt động văn hóa. Các tour du lịch trọn gói này sẽ giúp thu hút thêm nhiều du khách đến với làng Hà Văn Trên.
Ông Nguyễn Hữu Hà - Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh về nghiệm thu đề tài nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng sinh thái tại làng Hà Văn Trên, nhìn nhận: “Nghiên cứu này không chỉ mang lại cơ hội phát triển kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa và môi trường. Phát triển du lịch sẽ giúp người dân có cơ hội nâng cao thu nhập, đồng thời bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng Bana. Mô hình du lịch sinh thái bền vững là sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế và trách nhiệm xã hội, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Hy vọng rằng nghiên cứu này sẽ là cơ sở để các nhà quản lý, DN và cộng đồng địa phương có thể triển khai các kế hoạch phát triển du lịch hiện quả và bền vững trong tương lai.
TRỌNG LỢI