Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp: Bình Định lấy lại ngôi đầu
Từ cuối tháng 11 đến nay, Bình Định quay trở lại dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp. Với số điểm thuộc nhóm xuất sắc, thành tích này không chỉ khẳng định nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ công của tỉnh mà còn khẳng định cam kết không ngừng nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Vào nhóm xuất sắc
Theo Văn phòng UBND tỉnh, kết quả cập nhật gần nhất trên bảng xếp hạng Chỉ số phục vụ người dân, DN, chiều 2.12, tỉnh Bình Định đang ở vị trí đầu bảng với 90,59 điểm. Trước đó, lũy kế Chỉ số phục vụ người dân, DN 10 tháng năm 2024 của Bình Định đạt 88,63 điểm, đứng vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố cả nước (sau Cà Mau: 89,08 điểm).
Ông Lê Ngọc An, Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết: Đến cuối năm 2023, Bình Định xếp vị trí thứ nhất trên bảng xếp hạng Chỉ số phục vụ người dân, DN. Nhưng 10 tháng đầu năm 2024, Cà Mau là địa phương dẫn đầu, Bình Định liên tục giữ vị trí thứ hai. Kết thúc tháng 11, Bình Định quay trở lại vị trí thứ nhất. Đặc biệt, ở lần này, tỉnh có số điểm thuộc nhóm xuất sắc (90 điểm trở lên). Đây là minh chứng rõ nét cho sự quyết tâm, nỗ lực nâng cao sự hài lòng của người dân và DN trong thực hiện dịch vụ công của tỉnh Bình Định.
Xét về các chỉ số thành phần, Bình Định cũng đang dẫn đầu hoặc thuộc nhóm dẫn đầu với các chỉ số: Dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Đồng thời, đang thuộc tốp 3 địa phương dẫn đầu đối với các chỉ số thành phần: Công khai, minh bạch, tiến độ giải quyết.
Để có được những kết quả nổi bật, bứt phá trong thực hiện Chỉ số phục vụ người dân và DN, thời gian qua, các địa phương đã bám sát Kế hoạch cải thiện, nâng cao kết quả Chỉ số phục vụ người dân, DN trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Khung danh mục nhiệm vụ thực hiện Chỉ số phục vụ người dân, DN tại Quyết định số 3665/QQ-UBND ngày 12.10.2024 của UBND tỉnh.
Theo Văn phòng UBND tỉnh, đã có 3 cơ quan có điểm số cải thiện tích cực, đáng kể: Sở GTVT (tăng 8,18 điểm), Sở Xây dựng (tăng 1,17 điểm), Sở KH&CN (tăng 1,15 điểm). 11 cơ quan khác có sự chuyển biến, tăng điểm nhưng không đáng kể.
Ở cấp huyện, hầu hết các địa phương đều có sự chuyển biến và tăng về điểm số, trong đó, có 2 địa phương tăng trên 1 điểm là: Tuy Phước (1,12 điểm), Hoài Ân (1,02 điểm).
Trong khi đó, ở cấp xã, 22/159 xã, phường, thị trấn có điểm cải thiện tích cực, tăng trên 1 điểm, nổi bật như: Xã Hoài Phú , TX Hoài Nhơn (tăng 10,71 điểm); xã Cát Chánh, huyện Phù Cát (tăng 4,71 điểm); xã Ân Phong, huyện Hoài Ân (tăng 4,52 điểm), xã Đak Mang, huyện Hoài Ân (4,21 điểm); xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh (tăng 3,64 điểm); xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn (tăng 3,78 điểm)...
Sự nỗ lực trong công tác tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các nhân viên tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và công tác phối hợp giải quyết hồ sơ của các sở, ngành, đơn vị liên quan đã góp phần nâng điểm Chỉ số phục vụ người dân, DN của tỉnh Bình Định. Ảnh: N.M
Tiếp tục nỗ lực cải thiện
Cuộc cạnh tranh trên bảng xếp hạng Chỉ số phục vụ người dân và DN đang trở nên vô cùng gay gắt khi các địa phương đều nỗ lực để vươn lên và khẳng định vị thế. Hiện tại, khoảng cách giữa các vị trí dẫn đầu là rất nhỏ. Tỉnh Cà Mau - đứng ở vị trí thứ hai - chỉ kém Bình Định vỏn vẹn 0,27 điểm.
Để tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu và nâng cao điểm số trên bảng xếp hạng, Văn phòng UBND tỉnh đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị và địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trong “Kế hoạch cải thiện, nâng cao kết quả Chỉ số phục vụ người dân, DN trên địa bàn tỉnh”, bám sát Khung danh mục nhiệm vụ nhằm cải thiện điểm số từng tiêu chí thành phần, hướng đến đạt được điểm số tối đa. Mục tiêu là nâng tầm từ nhóm “Khá” hoặc “Tốt” lên nhóm “Xuất sắc”, qua đó khẳng định nỗ lực cải cách và phục vụ hiệu quả hơn.
Qua khảo sát, một số nguyên nhân chính dẫn đến việc mất điểm hoặc giảm điểm đã được xác định. Cụ thể, các tỷ lệ khai thác và sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa, cấp kết quả điện tử, số hóa hồ sơ, đồng bộ dữ liệu chưa đạt. Các đơn vị, địa phương, đặc biệt là các đơn vị bị mất điểm, giảm điểm trong thời gian gần đây, cần tập trung giải quyết một cách quyết liệt để cải thiện hiệu quả hoạt động và nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần tạo bước tiến mạnh mẽ trên bảng xếp hạng.
Văn phòng UBND tỉnh cũng đề nghị các cơ quan, địa phương có tỷ trọng đóng góp lớn vào điểm số chung của tỉnh như: Sở Công Thương, Sở GTVT, Sở Tư pháp, Sở NN&PTNT, Sở TN&MT, Sở KH&ĐT, TP Quy Nhơn, TX Hoài Nhơn, huyện Tuy Phước, huyện Phù Cát... phấn đấu cải thiện điểm số của đơn vị, không để giảm điểm, mất điểm.
Thời gian qua, với nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân, DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ số lượng người dùng dịch vụ công trực tuyến/tổng số lượng người đã từng thực hiện thủ tục hành chính đạt 59,98%. Bên cạnh đó, vẫn còn những vấn đề tồn tại như: 40,8% trong tổng số lượng thủ tục hành chính của tỉnh chưa được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Một số lượng không nhỏ giao dịch hồ sơ trực tuyến thành công là được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã và phải có sự tham gia hỗ trợ, hướng dẫn chi tiết của cán bộ, công chức, viên chức, ĐVTN trong toàn bộ quy trình thực hiện. Đa số người dân, bao gồm những trường hợp đã từng sử dụng dịch vụ công trực tuyến trước đó, vẫn còn tâm lý ưu tiên lựa chọn hình thức nộp trực tiếp hồ sơ giấy, chưa tự nguyện, tự giác lựa chọn sử dụng dịch vụ công trực tuyến… Văn phòng UBND tỉnh đang hoàn thiện dự thảo Kế hoạch nâng cao chất lượng cung cấp và thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2025 - 2030 nhằm tháo gỡ các vấn đề này, góp phần nâng cao điểm số Chỉ số phục vụ người dân, DN.
Với việc quay trở lại dẫn đầu bảng xếp hạng và quyết tâm giữ vững vị trí, tiếp tục nâng cao điểm số, Bình Định đang thể hiện cam kết về một nền hành chính phục vụ, hiệu quả, minh bạch, thúc đẩy cho sự phát triển KT-XH của tỉnh.
NGUYỄN MUỘI