Quyết liệt, dứt điểm, tiên phong trong giảm nghèo - Kỳ 2: Gỡ từng nút thắt, mở lối vươn lên
Hành trình “tổng lực” giúp người dân thoát nghèo bền vững đã bắt đầu với việc tháo gỡ từng nút thắt, giải quyết gốc rễ của từng vấn đề, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước tiến tới cuộc sống ổn định hơn.
Từ “bài toán” đất ở, nhà ở
An cư lạc nghiệp, ông bà ta đã đúc kết. Vậy làm sao thoát đói nghèo khi nhà ở chưa ổn định? Thấu hiểu điều này, trong giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh đã hỗ trợ 2.877 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí hơn 118 tỷ đồng, từ các nguồn: Ngân sách tỉnh gần 49,7 tỷ đồng (1.060 nhà); ngân sách trung ương gần 8,4 tỷ đồng (227 nhà); huy động từ MTTQ Việt Nam tỉnh 60 tỷ đồng (1.590 nhà). Rất nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cũng đồng hành với các địa phương trong thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, ông Đinh Văn Lân (thôn 1, xã An Vinh, huyện An Lão) đã tập trung trồng keo và trồng xen canh một số cây hoa màu khác. Ảnh: D.Đ
Dù vậy, còn nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở vẫn chưa thể “an cư” bởi nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là vấn đề đất ở. Với quyết tâm đến năm 2025, Bình Định cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2025. Mục tiêu đặt ra là đảm bảo chính sách đến được từng hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở; không để xảy ra thất thoát, tiêu cực.
“Năm 2024, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt danh sách 1.049 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ nhà ở với tổng kinh phí 41,75 tỷ đồng. Năm 2025, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ hơn 2.000 hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí hơn 96 tỷ đồng”, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Viết Bảo thông tin.
Chung tay gỡ khó
Ngân sách tỉnh đã đảm bảo để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, còn các địa phương tích cực tháo gỡ vấn đề đất ở bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, và TX Hoài Nhơn là một điển hình.
Tại lễ phát động “Đợt thi đua cao điểm 200 ngày toàn dân tham gia xây dựng TX Hoài Nhơn không còn hộ nghèo, không còn nhà tạm, nhà dột nát” (7.8.2024 - 28.3.2025), TX Hoài Nhơn có 204 hộ nghèo, cận nghèo cần xây dựng, sửa chữa nhà ở, trong đó có 143 hộ gặp vướng mắc thủ tục đất đai. Sau lễ phát động, đến nay TX Hoài Nhơn đã xây dựng, sửa chữa nhà cho 159/204 hộ nghèo, cận nghèo với hơn 2,5 tỷ đồng được giải ngân. Tuy nhiên, vẫn còn 45 trường hợp chưa thể khởi công. Theo ông Đặng Đức Đạo, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TX Hoài Nhơn, một số hộ chưa hoàn thiện thủ tục đất đai hoặc chờ ngày hợp tuổi để khởi công. Một số khác quá khó khăn, kinh phí hỗ trợ chỉ đáp ứng một phần nên chưa triển khai. Các địa phương đang tích cực vận động thêm nguồn lực để hỗ trợ tránh tái nghèo. Riêng 10 trường hợp vướng do tranh chấp đất ở, UBND thị xã đã chỉ đạo giải quyết cụ thể.
Tại xã Hoài Sơn, ông Võ Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của thị xã, xã đã cấp đất cho 4 hộ nghèo, cận nghèo thiếu đất ở. 2/4 hộ đã hoàn thành xây dựng ngôi nhà đảm bảo “3 cứng”. Các hộ còn lại sẽ tiếp tục triển khai xây dựng, hoàn thành ngay trong năm 2024”.
Phường Bồng Sơn có 15 hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở nhưng không đáp ứng được điều kiện theo quy định. UBND phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam phường kêu gọi các nhà hảo tâm, các cơ quan, đơn vị, DN trên địa bàn, kết hợp phân công khu phố chung tay. “Trước khi kêu gọi, chúng tôi đã khảo sát kỹ tình hình, đưa ra mức hỗ trợ phù hợp cho từng trường hợp. Mỗi trường hợp, UBND phường sẽ chịu trách nhiệm vận động 70% kinh phí hỗ trợ xây nhà, khu phố chịu trách nhiệm 30%”, ông Nguyễn Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND phường Bồng Sơn, chia sẻ.
Từ sự quyết liệt của chính quyền, sự năng nổ của Mặt trận và tổ chức thành viên, khu phố, sự ủng hộ của nhà hảo tâm, 15/15 ngôi nhà của hộ nghèo, cận nghèo ở phường Bồng Sơn đã được xây dựng, sửa chữa hoàn tất.
Giải quyết đất sản xuất
Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, trong năm 2024, các địa phương tập trung thực hiện các chương trình, dự án giải quyết đất sản xuất cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Qua khảo sát, huyện An Lão có 588/2.857 hộ nghèo thiếu đất sản xuất. Dù quỹ đất sản xuất eo hẹp, song địa phương đã bám sát kế hoạch sử dụng đất hằng năm được UBND tỉnh phê duyệt để bố trí đất sản xuất cho người dân. Đến cuối tháng 8.2024, UBND huyện An Lão đã tổ chức lễ trao 20 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ) lâm nghiệp có thời hạn sử dụng 50 năm cho 20 hộ dân tại thôn 1, xã An Vinh với tổng diện tích 18,1 ha (đợt 1).
Một trong những hộ dân được nhận sổ đỏ lâm nghiệp, ông Đinh Văn Lân (59 tuổi, dân tộc H’re) cho biết: Trước đây, kinh tế của cả gia đình chỉ phụ thuộc vào 1 sào đất trồng lúa (2 vụ/năm). Vợ chồng tôi đi làm thuê, làm mướn khắp nơi nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống, cái nghèo vẫn mãi đeo bám. “Được Đảng, Nhà nước quan tâm, cấp hơn 10.000 m2 đất lâm nghiệp tại khu vực Nước Trum, gia đình tôi đã trồng keo, xen canh một số loại cây nông nghiệp. Tôi dự định sau khi bán keo sẽ vay thêm vốn từ Ngân hàng CSXH để mua bò, heo… phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo”, ông nói.
Theo Chủ tịch UBND xã An Vinh Đinh Văn Mẩy, việc giao đất sản xuất có ý nghĩa rất lớn đối với người dân trên địa bàn xã, giúp người dân có việc làm, gắn bó với đất đai, tự vượt qua nghèo đói, vươn lên làm giàu.
Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện An Lão, thực hiện Quyết định số 2275/QĐ-UBND ngày 26.6.2024 của UBND tỉnh về việc thu hồi đất đợt 1 của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện để thực hiện phương án giao đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã An Vinh, huyện đã thu hồi 642,1 ha, đo đạc và lập hồ sơ 600,1 ha. Sau đợt 1, huyện tiếp tục thẩm định hồ sơ và sẽ tổ chức bàn giao, cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp cho người dân trong thời gian sắp tới.
Mái ấm an vui
Được UBND xã Hoài Sơn cấp 172 m2 đất để xây dựng nhà ở, chị Lê Thị Mỹ Lộc (33 tuổi, ở xã Hoài Sơn, TX Hoài Nhơn) chưa thể tin đây là sự thật. “Chồng tôi làm nghề biển, tôi không có việc làm, gia đình thuộc hộ cận nghèo. Cả gia đình ở trong nhà trọ và chưa bao giờ nghĩ sẽ được chính quyền hỗ trợ đất, được tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà. Từ sự giúp đỡ của tỉnh, thị xã, xã, chúng tôi vay mượn thêm và xây dựng được ngôi nhà kiên cố trị giá khoảng 200 triệu đồng. Từ đây, cả nhà tôi thật sự đã có thể an cư”, chị Lộc tâm sự.
Bà Đặng Thị Thoa (đứng) bày tỏ cảm xúc, sự biết ơn bởi từ sự chung tay của Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) và các cơ sở Phật giáo trên địa bàn, các nhà hảo tâm, bà đã có đất, có nhà ở tuổi xế chiều. Ảnh: ĐVCC
Ở tuổi 61, bà Đặng Thị Thoa (thôn Vinh Quang 1, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) mới có được căn nhà cho riêng mình sau rất nhiều năm sống trong căn lều tạm ở trên đất của người em trai tại thôn Kỳ Sơn (xã Phước Sơn). Được UBND xã Phước Sơn cấp đất, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, Quỹ Vì người nghèo xã hỗ trợ 5 triệu đồng, bà vẫn còn rất lo lắng vì với thời giá hiện tại, căn nhà khó hoàn thành. Xét hoàn cảnh đặc biệt của bà, Mặt trận xã kết nối với các cơ sở Phật giáo trên địa bàn như Tịnh xá Ngọc Sơn, Tịnh xá Ngọc Vân, Tịnh xá Ngọc Ninh… để kêu gọi ủng hộ gia đình bà Thoa với tổng số tiền vận động được là 165 triệu đồng. Đồng thời, Mặt trận xã kêu gọi các tổ, nhóm thợ ở địa phương giúp gia đình về ngày công, thiết kế ngôi nhà với kinh phí hiện có, tránh phát sinh thêm.
“Căn nhà có diện tích khoảng 60 m2 với phòng khách, 2 phòng ngủ, phòng bếp và nhà vệ sinh đã hoàn thành. Với tôi, căn nhà giống hệt như giấc mơ từ những ngày còn tá túc trong tạm bợ, dột nát. Tôi biết ơn mọi sự giúp đỡ!”, bà Thoa nói.
N.MUỘI - D.ĐĂNG - T.KHUY
• Kỳ cuối: Khát vọng thoát nghèo - động lực hướng tới tương lai