Cần hỗ trợ đủ mạnh để phát triển rừng gỗ lớn
Cuối năm 2024, Bình Ðịnh đã hoàn thành mục tiêu trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2016 - 2025, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra. Dù phấn khởi với kết quả này, nhưng để việc phát triển rừng gỗ lớn thuận lợi, vẫn còn nhiều nỗi trăn trở.
Năm 2024, toàn tỉnh đã trồng và chuyển hóa được 200 ha rừng gỗ lớn; tổng cộng diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh đến nay là 10.082 ha (đạt 108% chỉ tiêu kế hoạch). Tiếp tục triển khai Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035, trong năm 2025, Sở NN&PTNT đặt mục tiêu trồng thêm 120 ha rừng gỗ lớn.
Khó nhiều bề
Dù đạt mục tiêu đề ra nhưng nhiều công ty lâm nghiệp của tỉnh lại đang chật vật với vấn đề vốn vay để trồng rừng gỗ lớn.
Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Châu cho biết, theo Nghị định số 17/VBHN-NHNNVN ngày 25.9.2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, 3 công ty lâm nghiệp của tỉnh có thể dùng tài sản thế chấp là rừng trồng gỗ lớn để vay đầu tư tại các ngân hàng thương mại; cơ chế vay theo chu kỳ rừng trồng. Tuy nhiên, trên thực tế, ngân hàng thương mại chưa chấp nhận cho công ty lâm nghiệp vay theo chu kỳ rừng trồng vì rủi ro cao, do chu kỳ kéo dài 8 - 10 năm, thậm chí 15 năm.
“Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xúc tiến triển khai quy định đã ban hành, giúp công ty lâm nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay theo chu kỳ trồng rừng”, ông Châu cho hay.
Mặt khác, tỉnh Bình Định chịu ảnh hưởng mạnh của gió khô nóng từ tháng 6 - 8 nên nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, tháng 9 - 11 thường xuất hiện mưa, bão, dễ làm cây trồng bị đổ, gãy, trong khi ngành NN&PTNT chưa có bảo hiểm rừng trồng. Đa số công ty bảo hiểm cũng không dám mạo hiểm, bởi nhận thấy biến đổi khí hậu đang diễn ra rất khốc liệt và bất thường, trong khi chu kỳ trồng rừng gỗ lớn rất dài.
Một số diện tích rừng gỗ nhỏ trong tỉnh được các công ty lâm nghiệp tập trung chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển thành rừng gỗ lớn. Ảnh: N.T
Quỹ đất và giống cây trồng cũng là những khó khăn khi đất trồng rừng sản xuất ngày càng bị thu hẹp, một số diện tích không phù hợp để trồng rừng gỗ lớn. Cơ cấu cây giống rừng gỗ lớn chủ yếu vẫn là cây keo lai và bạch đàn.
Ông Trần Nguyên Tú, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, cho biết: “Các giống mới được Bộ NN&PTNT công nhận nhiều, nhưng hiện tại việc lựa chọn các giống để tăng năng suất và khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết miền Trung để phục vụ cho trồng rừng gỗ lớn vẫn chưa được quan tâm nhiều”.
Thời gian qua, huyện Tây Sơn triển khai một số mô hình trồng rừng gỗ lớn bằng giống keo lai nuôi cấy mô, có sự tham gia của hộ dân. Dù vậy, theo ông Lê Hà An, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, thời tiết nhiều bất lợi đang tác động lớn đến hiệu quả sản xuất của hộ dân, DN và việc mở rộng diện tích rừng gỗ lớn. Thêm vào đó, chu kỳ kéo dài từ 10 năm trở lên gây ảnh hưởng trước mắt về kinh tế, thu nhập hằng năm của người trồng rừng. “Khó khăn trong đảm bảo chi phí để trang trải cuộc sống dẫn đến các hộ có mức thu nhập trung bình chưa mạnh dạn tham gia”, ông An chia sẻ.
Cần hỗ trợ phù hợp, hiệu quả
Theo Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035, địa bàn TP Quy Nhơn có 519 ha rừng gỗ lớn, trồng ở xã Phước Mỹ tại hai tiểu khu TK 352 và TK 353. UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng Kinh tế, UBND xã Phước Mỹ phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung triển khai thực hiện. Qua kiểm tra, rà soát nhu cầu thực tế về trồng rừng gỗ lớn của các địa phương, trên địa bàn thành phố chưa có hộ gia đình, cá nhân nào đăng ký diện tích đất thực hiện trồng rừng gỗ lớn đến năm 2035. Nguyên nhân của việc này là chưa có chính sách hỗ trợ một phần vốn đầu tư cho người dân trồng và chăm sóc rừng gỗ lớn. Đời sống của người dân xã Phước Mỹ còn nhiều khó khăn, thiếu vốn sản xuất nên thường trồng rừng với chu kỳ ngắn để sớm khai thác, thu hồi vốn nhanh.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn như chính sách tín dụng ưu tiên đối với hoạt động trồng rừng gỗ lớn (điều kiện vay, hạn mức vay...), chính sách hỗ trợ Dự án liên kết chuỗi trong thực hiện trồng rừng gỗ lớn từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, chế biến lâm sản…
Tại buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày 29.11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng, để phát triển trồng rừng gỗ lớn, cần có chiến lược và chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả; có quy hoạch rừng trồng phù hợp, vì thực tế không phải nơi nào cũng trồng được rừng gỗ lớn. Tiếp đến là tích tụ đất rừng để phát triển những cánh rừng gỗ lớn.
“Nên chăng, Bộ NN&PTNT tiến hành quy hoạch vùng, đặt trọng tâm vào DN để DN tham gia chuỗi trồng rừng gỗ lớn với quy mô lớn, hướng đến phát triển bền vững những cánh rừng gỗ lớn trong tương lai”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đề xuất.
NGỌC TÚ