KỶ NIỆM 60 NĂM CHIẾN THẮNG AN LÃO (7.12.1964 - 7.12.2024):
An Lão chuyển mình mạnh mẽ
Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, dù phải trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ nhưng Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện An Lão đã khai thác tiềm năng, lợi thế, tranh thủ các nguồn lực, đồng lòng đưa huyện ngày một đi lên, đổi mới, phát triển về mọi mặt.
Lịch sử oai hùng
Cách đây 60 năm, thực hiện chủ trương của Quân khu V và Tỉnh ủy Bình Định về việc tập trung toàn bộ lực lượng, bao gồm bộ đội địa phương và dân quân du kích liên tục tấn công địch ở đồng bằng để mở rộng vùng giải phóng, phong trào “Đồng khởi” tiếp tục diễn ra ở Bình Định, phát triển mạnh mẽ và giành được những thắng lợi to lớn khắp cả 3 vùng chiến lược (nông thôn miền núi, đồng bằng và đô thị).
Các CCB kể chuyện truyền thống về các trận đánh làm nên Chiến thắng An Lão 60 năm về trước cho ĐVTN, học sinh. Ảnh: D.Đ
Đầu tháng 12.1964, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu V quyết định mở chiến dịch tấn công giải phóng An Lão, với sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, cùng sự ủng hộ to lớn của quần chúng nhân dân huyện An Lão. Chiến dịch giải phóng An Lão diễn ra từ ngày 7 - 23.12.1964, với những trận đánh lớn diễn ra trong ngày 7 và 8.12. Với chiến thuật tấn công bất ngờ, liên tục, chủ động dự báo tình hình, ta đã giành chiến thắng và đẩy lùi quân chi viện bằng cả đường không lẫn đường bộ. Kết thúc chiến dịch, ta đã giải phóng 11.000 dân bị kìm kẹp trong các ấp chiến lược của địch; toàn bộ thung lũng An Lão dài 22 km trở thành căn cứ của ta.
Huyện An Lão được giải phóng, nối liền căn cứ phía Tây Bắc và khu Đông tỉnh Bình Định với hai huyện Ba Tơ, Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), nối liền với Tây Nguyên tạo thành một vùng căn cứ địa vững chắc, liên hoàn của cách mạng, trở thành hậu phương đóng góp tích cực về sức người và sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của tỉnh trong suốt thời gian từ năm 1965 đến năm 1975.
Và ngày 7.12.1964 đã ghi vào lịch sử dân tộc một mốc son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một chiến thắng có tiếng vang lớn. Chiến thắng An Lão mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân, là động lực tinh thần tiếp thêm sức mạnh, ý chí, nghị lực để huyện vững bước tiến lên trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Vững bước đi lên
Sau ngày giải phóng đến nay, huyện An Lão là địa phương có xuất phát điểm thấp, điều kiện KT-XH hết sức khó khăn. Dù vậy trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, huyện An Lão đã phát huy nội lực, tranh thủ mọi nguồn lực, xây dựng và phát triển huyện đạt nhiều thành tựu.
Trung tâm huyện An Lão đổi thay mạnh mẽ. Ảnh: Dũng Nhân
Về kinh tế của huyện có bước phát triển khá, chỉ tính riêng năm 2024, tổng giá trị sản phẩm của huyện ước đạt trên 972,1 tỷ đồng. Trong đó, giá trị sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt gần 354 tỷ đồng, đạt 100,01% so với nghị quyết HĐND huyện giao; giá trị sản phẩm ngành công nghiệp - xây dựng ước đạt 376,2 tỷ đồng, đạt 99,59% so với nghị quyết HĐND huyện giao; giá trị sản phẩm ngành thương mại, dịch vụ ước đạt gần 242 tỷ đồng, đạt 100,67% so với nghị quyết HĐND huyện giao.
Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư, hoàn thiện kết nối với các địa phương trong tỉnh. Đồng thời, được sự quan tâm của Nhà nước, tỉnh, đến nay, huyện An Lão đã triển khai xây dựng gần 300 công trình giao thông, thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật, phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân, giúp bộ mặt nông thôn, miền núi có nhiều khởi sắc. Hiện nay, 57/57 thôn, khu phố trong huyện đều có điện lưới quốc gia, đường bê tông đến từng thôn; được phủ sóng điện thoại di động và mạng internet.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc được chú trọng; hiện nay, huyện có 7 di tích lịch sử cấp tỉnh, 1 di tích cấp quốc gia. Công tác giáo dục được huyện triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, đáp ứng yêu cầu dạy và học; chất lượng giáo dục các cấp học ngày càng nâng cao; có 14/25 trường học đạt chuẩn quốc gia.
Cùng với đó, công tác đền ơn đáp nghĩa được chú trọng, các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững đạt kết quả tích cực; tỷ lệ hộ nghèo của huyện cuối năm 2024 còn 8,42%; đồng bào các dân tộc được đảm bảo đất ở, nhà ở, đất sản xuất để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Nhờ nguồn lực của tỉnh, UBND huyện An Lão đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông. Ảnh: D.Đ
Bên cạnh các nhiệm vụ phát triển KT-XH, về quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng, chính quyền luôn được chú trọng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng được nâng cao; việc quản lý điều hành của chính quyền, hoạt động của MTTQ và các tổ chức thành viên ngày một hiệu quả; khối đại đoàn kết được tăng cường, tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.
Bí thư Huyện ủy An Lão Nguyễn Xuân Vĩnh cho biết, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 và những năm đến là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KT-XH theo hướng đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, bảo đảm tăng trưởng nhanh và bền vững; tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; chỉ đạo thực hiện thành công đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025 - 2030; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh toàn diện. An Lão cũng đang quyết tâm thoát khỏi huyện nghèo vào cuối năm 2025 để góp phần đưa tỉnh Bình Định phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung.
DUY ĐĂNG