Phát huy hiệu quả nguồn vốn ODA cho ngành NN&PTNT giai đoạn 2026 - 2030
(BĐ) - Sáng 6.12, tại TP Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị toàn thể Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) 2024 với chủ đề “Định hướng ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho ngành NN&PTNT giai đoạn 2026 - 2030”.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh. Ảnh: TRỌNG LỢI
Hội nghị được chủ trì bởi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tại điểm cầu Hà Nội.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh chủ trì hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh Bình Định, với sự tham gia của các lãnh đạo sở, ban, ngành của tỉnh.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ NN&PTNT đã ký kết 5 chương trình, dự án với tổng giá trị 826 triệu USD, trong đó có 662 triệu USD vốn vay, tập trung vào các lĩnh vực như thủy lợi, lâm nghiệp, nông thôn mới, khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực.
Giai đoạn 2021 - 2025, công tác chuẩn bị các dự án mới chưa ký kết được hiệp định vay nào, với tổng số vốn vay dự kiến khoảng 2 tỷ USD. Các đối tác tài trợ chính bao gồm WB, ADB, JICA, KEXIM, và các nguồn không hoàn lại từ Hà Lan, Nhật Bản, Úc, GCF, GEF. Các dự án đang chuẩn bị tập trung vào các lĩnh vực như hiện đại hóa thủy lợi, phát triển thủy sản bền vững, chống chịu rủi ro thiên tai, phát triển xanh và giảm phát thải khí nhà kính.
Mặc dù ODA là nguồn quan trọng bổ sung cho đầu tư phát triển của Bộ NN&PTNT, quá trình chuẩn bị dự án thường kéo dài và thủ tục phức tạp, làm giảm hiệu quả đầu tư.
Bộ NN&PTNT đã đề ra Chiến lược Phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2030, với tầm nhìn đến 2050, chuyển từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, chú trọng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển đa ngành. Định hướng phát triển xanh theo hướng sinh thái, hữu cơ và tuần hoàn, giảm phát thải carbon để nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh.
Với chiến lược này, ưu tiên sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông thôn, thủy lợi, phòng chống thiên tai, thủy sản, vệ sinh môi trường và cấp nước sinh hoạt nông thôn, tái tạo rừng - quản lý rừng bền vững.
Dự kiến kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030 sẽ có khoảng 2,16 tỷ USD, bao gồm các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2021 - 2025 và các dự án mới với tổng vốn khoảng 2 tỷ USD.
Hội nghị cũng nhằm xác định các ưu tiên của các đối tác quốc tế và định hướng của Chính phủ, để xây dựng kế hoạch huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA và vay ưu đãi cho ngành NN&PTNT.
Tại Bình Định, giai đoạn 2016 - 2025 đã được tiếp cận, vay vốn ưu đãi ODA của các đối tác, như WB, ADB... để đầu tư khôi phục, nâng cấp hệ thống hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, phát triển và bảo vệ rừng bền vững.
TRỌNG LỢI