Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động ở An Lão: Nhiều tín hiệu khả quan
Từ đầu năm 2014 đến nay, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn huyện An Lão được quan tâm đúng mức nên đã mang lại kết quả khả quan.
Xác định công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, đặc biệt là XKLĐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, ngay từ đầu năm 2014, Ban chỉ đạo thực hiện đào tạo nghề, giải quyết việc làm và XKLĐ huyện đã phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương An Toàn, An Vinh, An Dũng, An Hưng, An Trung, An Tân tổ chức tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn tại 15 điểm với trên 450 người tham gia. Đồng thời, Phòng NN-PTNT huyện cũng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho 534 cán bộ và người lao động về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc cây trồng. Qua được tư vấn và tập huấn, đã có trên 260 lao động đăng ký tham gia học các nghề như: Chăm sóc và phòng trị bệnh cho trâu, bò; may công nghiệp; chế biến món ăn; mộc dân dụng; trồng nấm… và huyện đã chính thức khai giảng 2 lớp đào tạo may công nghiệp cho khoảng 60 lao động tại xã An Dũng, An Vinh.
Công tác XKLĐ năm 2014 đã có khởi sắc so với năm 2013. Huyện An Lão cùng với các địa phương và các trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh tổ chức 53 điểm tư vấn, tuyên truyền XKLĐ tại các xã, thị trấn trong huyện, thu hút trên 1.700 lượt lao động tham gia. Nếu như năm 2013, An Lão chỉ có 2 lao động đi XKLĐ thì 8 tháng đầu năm 2014 đã có 51 lao động đăng ký tham gia và 18 lao động đã xuất cảnh làm việc tại các thị trường: Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản; 4 lao động đang làm các thủ tục chuẩn bị.
Ông Từ Xuân Mười, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão cho biết: “Số lao động trên địa bàn huyện có nhu cầu XKLĐ rất nhiều nhưng do trình độ của người lao động còn hạn chế nên là rào cản đối với lao động”.
Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, thời gian qua Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi cho đối tượng là người dân tộc thiểu số tham gia XKLĐ. Đây là cơ hội cho lao động các huyện nghèo, đặc biệt là lao động dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên để thay đổi được tập quán sinh hoạt, tác phong lao động công nghiệp, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của đồng bào không phải dễ, hơn nữa đồng bào thường có tâm lý ngại đi làm ăn xa, do vậy công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp cho người lao động sẽ được tổ chức thường xuyên, liên tục.
THY PHƯƠNG