Đào tạo nghề “trúng đích”
Những năm qua, huyện An Lão chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp họ có cơ hội để tìm việc làm, tự tạo việc làm và nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Đòn bẩy giảm nghèo
Những năm trước đây, kinh tế của gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt (35 tuổi, ở thôn Xuân Phong Nam, xã An Hòa) chủ yếu phụ thuộc vào việc buôn bán nhỏ ở chợ nên khá chật vật. Tháng 9.2023, được sự tư vấn, vận động của UBND xã, chị Nguyệt đăng ký học lớp sơ cấp nghề may công nghiệp tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện An Lão.
Sau khi kết thúc khóa học và được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, chị Nguyệt đầu tư mua lại 4 máy may cũ, máy vắt sổ và mở cơ sở may gia công tại nhà. Hiện trung bình một tháng cơ sở may của chị hoàn thiện từ 3.000 - 5.000 sản phẩm, có lãi gần 12 triệu đồng; tạo việc làm cho 6 lao động ở địa phương, với mức thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Theo Chủ tịch UBND xã An Hòa Nguyễn Văn Tuấn, giai đoạn năm 2022 - 2024, UBND xã phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện tổ chức 8 lớp sơ cấp nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 280 lao động nông thôn, với các nghề may, trồng trọt, chăn nuôi. Sau đào tạo nghề, các học viên đều đã có việc làm và tự tạo việc làm bằng kiến thức, kỹ năng đã được trang bị.
Còn tại xã An Dũng, xác định đào tạo nghề, dạy nghề cho lao động nông thôn là giải pháp bền vững về lâu về dài để giảm nghèo, từ năm 2022 đến nay, UBND xã đã phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện tổ chức 5 lớp đào tạo nghề may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, nuôi heo rừng cho 175 lao động nông thôn, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Hầu hết lao động sau học nghề đều có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2023 của xã từ 45,32% còn 9,8% (cuối năm 2024).
Nguồn thu nhập chính của gia đình chị Đinh Thị Bo (dân tộc H’re, ở thôn 4, xã An Dũng) phụ thuộc vào chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trước đây, mỗi lần heo bị dịch bệnh, chị lúng túng trong cách phòng, chữa bệnh. Từ ngày tham gia lớp đào tạo nghề nuôi heo rừng, heo thả do Trung tâm GDNN-GDTX huyện tổ chức, chị tự tin hơn trong chăm sóc đàn heo của gia đình.
Chị Bo chia sẻ: “Được dạy nghề và hỗ trợ vay vốn ưu đãi là động lực rất lớn để tôi nỗ lực hơn nữa, từng bước vực dậy kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Nhờ được đào tạo nghề may công nghiệp, chị Nguyễn Thị Nguyệt (bìa trái, ở thôn Xuân Phong Nam, xã An Hòa) đã mở xưởng may, làm chủ và tạo việc làm cho nhiều lao động khác. Ảnh: T.C
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
Giai đoạn năm 2021 - 2024, thực hiện dự án 4 về Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện, các xã đã mở 78 lớp đào tạo nghề cho trên 2.900 lao động, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 580 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện lên 36,7%; lao động có việc làm sau đào tạo nghề đạt trên 80%.
Ông Nguyễn Tấn Tỉnh, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện An Lão, cho hay: Trung tâm tiếp tục đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, chú trọng theo nhu cầu của các địa phương, xã hội, từ đó tạo sự gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với DN và thị trường lao động. Bên cạnh đó, chú trọng cơ cấu, trình độ ngành nghề đào tạo, đáp ứng yêu cầu tăng lượng lao động có kỹ năng nghề nghiệp để học viên tham gia tốt vào thị trường lao động, có việc làm và thu nhập ổn định.
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão, thời gian tới, Phòng LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện ưu tiên mở các lớp đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 40%. Cùng với đó, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhằm giải quyết việc làm cho người lao động sau khi học nghề.
TRIỀU CHÂU