Cộng thêm yêu thương cho trẻ chậm phát triển
Bằng tấm lòng yêu thương trẻ em, đặc biệt là trẻ gặp vấn đề về sức khỏe tâm lý, suốt những năm qua, cô Ngô Thị Hồng Vân (29 tuổi, ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn; giáo viên dạy kỹ năng mềm tại Trường Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic Bình Định) luôn đồng hành, giúp các trẻ dần vượt qua những rào cản, hạn chế về tâm lý.
Tốt nghiệp cử nhân Tâm lý học tại Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) năm 2017, nhưng ngay thời sinh viên, qua tiếp xúc và hỗ trợ trẻ rối loạn phát triển, tình yêu thương dành cho trẻ của cô Vân đã đậm đà. Để có thể nghiên cứu sâu, tìm hiểu về trẻ và có phương pháp điều trị hiệu quả, cô quyết định theo học thêm và hoàn thành chương trình âm ngữ trị liệu nhi khoa của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (năm 2018). Sau đó, cô Vân chọn học thạc sĩ Giáo dục học (chuyên ngành Giáo dục Mầm non) để tiếp tục nghiên cứu và nâng cao trình độ chuyên môn, cũng như lĩnh hội kiến thức sâu hơn về lĩnh vực này.
Cô Ngô Thị Hồng Vân (giữa) và phụ huynh cùng đồng hành trong mỗi tiết học để can thiệp sớm cho trẻ chậm phát triển. Ảnh: LĐ
Trước khi về công tác tại Trường Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic Bình Định, cô Vân có thời gian hơn 2 năm công tác tại một trường mầm non trên địa bàn TP Quy Nhơn với vai trò là chuyên viên âm ngữ trị liệu, cô nhận thấy số lượng trẻ có những biểu hiện chậm phát triển ngôn ngữ ngày càng tăng cao, tuy nhiên số lượng giáo viên, chuyên viên có chuyên môn để nhận biết và hỗ trợ trẻ điều trị còn hạn chế. Sau đó cô quyết định mở lớp dạy can thiệp tại nhà với mong muốn có thể hỗ trợ về mặt chuyên môn và can thiệp sớm cho trẻ chậm nói.
“Nhìn những nụ cười của các em và niềm vui của gia đình khi có con khỏe mạnh, tôi luôn cố gắng nâng cao năng lực chuyên môn của bản thân để có thể giúp đỡ được nhiều em nhỏ và tìm những phương pháp hiệu quả nhất. Mỗi tiết học tôi đều mong muốn có phụ huynh đến lớp cùng con, vì tính chất công việc mỗi ngày tôi chỉ dạy các em từ 2 đến 3 tiếng, thời gian còn lại các em ở nhà cần có gia đình thấu hiểu, kiên nhẫn hướng dẫn và tạo môi trường học tập cho các em, thời gian can thiệt mới có thể rút ngắn! Tôi hay nói, trẻ con thì cần được yêu thương, với trẻ chậm phát triển còn cần cộng thêm để bù vào phần thiệt thòi mà do số phận các em phải chịu”, cô Vân chia sẻ.
Phát hiện con mình có dấu hiệu của chứng chậm phát triển, chị Trần Thị Hà Nhi (29 tuổi, ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) đã tìm hiểu và tình cờ biết đến cô Vân và nhờ can thiệp sớm. Chị Nhi đã cho con theo cô Vân hầu hết các buổi trong tuần và chị luôn đồng hành cùng con trong những buổi học.
“Tôi cố gắng tìm đến những chuyên viên uy tín để hỗ trợ bé can thiệp và may mắn khi biết được cô Vân, sau khi trao đổi với cô, được cô nói rõ về nguyên nhân dẫn đến chậm phát triển, tôi đã hiểu rõ và quyết định cho bé theo học can thiệp sớm. Tôi cảm thấy yên tâm và tin tưởng khi cô luôn theo sát con và cho phụ huynh tham gia lớp học, hướng dẫn phụ huynh cách chơi với con một cách tận tình”, chị Nhi tâm sự.
Với cô Vân, việc thấu hiểu, đồng hành cùng con của phụ huynh trong những tiết học rất quan trọng cho quá trình can thiệp của trẻ. Từng rất hoang mang khi biết con mắc chứng chậm phát triển có thể dẫn đến tự kỷ nếu không can thiệp sớm. Chị D.T.Q. (ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) được cô Vân động viên và khuyên nên đến lớp cùng con, chị đã đồng hành cùng con trong những tiết học hơn một năm qua.
Chị Q. xúc động nói: “Sau hơn một năm được cô Vân can thiệp, điều trị sớm, đến nay con đã có những tín hiệu đáng mừng, gần như chứng chậm phát triển của con đã được cải thiện nhiều. Bên cạnh đó, tôi cũng luôn cố gắng dành thời gian để cùng con đến lớp, tại đây tôi quan sát, ghi nhớ những gì con được học để về nhà tiếp tục áp dụng cho con”.
LÊ ĐIỀM