Ăn giỗ ở quê
Chuyện cúng giỗ trong đời sống xã hội không có gì mới. Và dù ở quê hay ở phố, chuyện cúng giỗ ông bà, tổ tiên là một nét văn hóa đẹp. Ngày giỗ là ngày con cháu kỷ niệm ngày mất của người thân, để mọi người trong gia đình, dòng tộc nhớ về người đã khuất. Tuy nhiên, cứ mỗi lần về quê ăn giỗ là tôi lại lo. Lo ở đây không phải có bánh trái để góp cùng gia đình ở quê dâng cúng ông bà hay chuyện ăn, mà lo nhiều “chuyện uống”.
Có lần về quê tôi được người hàng xóm mời qua ăn giỗ. Là người sinh ra ở quê nay đi làm ăn xa lâu lâu mới về nên không thể từ chối. Nhưng trước khi đi mẹ tôi bảo: “Con ăn miếng gì rồi qua ăn giỗ”; thấy lạ tôi hỏi: “Ủa, ăn giỗ mà…”. Mẹ tôi nói: “Đám giỗ là uống rượu nhiều lắm, trống bụng mà qua gặp rượu là say đó con…”.
Nghe mẹ nói vậy nhưng tôi nghĩ: “Lo gì, họ mời nhưng mình không uống thì thôi chứ”. Thế nhưng, khi đến nơi tôi mới thấy suy nghĩ của mình quá “non nớt”. Mới bước vào nhà mọi người đã vồn vã chào hỏi chân tình làm sao (thực sự dân quê là vậy). Và những ly rượu Bàu Đá cứ thế được mời, tôi không nhớ mình uống bao nhiêu ly khi chính tiệc thì chưa vào. Vì vậy khi ngồi vào bàn thì đầu óc tôi bắt đầu lâng lâng.
Nhưng chưa hết. Ngồi vào bàn, mọi người lại tiếp tục chúc mừng nhau. Mừng sức khỏe, mừng lâu ngày gặp lại, mừng ông bà có con cháu thảo hiền… Có hẳn một chủ bàn chủ trì cho việc mừng ấy. Và đến khi rời bàn, tôi gần như chỉ còn đủ sức liêu xiêu về đến nhà. Khi tỉnh lại tôi không còn nhớ gì nhiều trừ chuyện uống rượu. May mà còn có mẹ tôi bên cạnh chăm sóc. Tôi mừng quá, thật là may, tôi nghĩ nếu tôi ăn giỗ ở một nơi khác thì gay rồi. Một lần ăn giỗ nhớ đời với tôi…
Thú thật, từ đó, tôi đâm ra ngại ăn giỗ ở quê, nếu buộc phải có mặt, tôi luôn chuẩn bị, phòng thủ rất kỹ. Vì thế những câu chuyện thăm hỏi quê kiểng, tâm tình như ngày trước trong bữa giỗ cũng hao khuyết nhiều. Không biết các bạn có ai lâm vào tình cảnh như tôi không?
TRÚC THANH