Khúc tình ca Quy Hòa
Nằm cách trung tâm TP Quy Nhơn vài cây số về phía Nam, làng biển Quy Hòa thuộc phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) nằm trong thung lũng được bao bọc bởi núi Xuân Vân và biển cả mênh mông tạo nên phong cảnh hữu tình, dễ dàng níu chân nhiều du khách.
Làng biển Quy Hòa nằm nép mình dưới những hàng dương liễu, rặng dừa xanh, bãi cát vàng trải dài, bên những gành đá rì rầm tiếng sóng vỗ bờ như khúc tình ca của biển trời, sóng nước làm say lòng khách phương xa khi đến đây.
Biển Quy Hòa mùa đông. Ảnh: ĐOAN NGỌC
Ít ai biết rằng, xưa kia Quy Nhơn có hai thung lũng là thung lũng Công (nằm giữa núi Bà Hỏa và thôn Xuân Vân xưa) và thung lũng Gà (tức Quy Hòa ngày nay). trong sách Du ký Trung kỳ theo đường cái quan, xuất bản vào năm 1889, tác giả Camille Paris mô tả: “Vùng phụ cận Quy Nhơn đẹp như tranh vẽ, nhất là hai thung lũng rất thân thuộc với các tay săn bắn, đó là thung lũng Công và thung lũng Gà… Thung lũng Công nối liền với thung lũng Gà bằng con đèo nhỏ (tức đèo Quy Hòa) nhưng đủ khiến cho thợ săn hồi hộp. Thung lũng Gà chỉ là một góc nhỏ của bãi biển xinh xắn, rải rác vài ngôi nhà nằm nép dưới những rặng dừa”.
Nụ cười hồn nhiên của trẻ con làng biển Quy Hòa. Ảnh: ĐOAN NGỌC
Quy Hòa xưa kia nguyên sơ, ngày nay cũng vẫn vậy, với nét yên bình vốn có, khu dân cư ẩn mình trong thung lũng giữa núi và cây xanh bao phủ, trước mặt là biển cả mênh mông, không gian tĩnh lặng dù nằm rất gần đô thị sầm uất Quy Nhơn.
Biển Quy Hòa mùa đông se lạnh, bên bãi cát vàng trải dài đón nhận từng con sóng bạc vỗ bờ, giữa rừng dương liễu vươn mình ra phía biển, không gian yên tĩnh giữa bốn bề lộng gió, cảnh sắc thật đẹp sẽ đưa bạn hòa mình tận hưởng sự thư thái giữa thiên nhiên trên những bước chân tìm về chốn bình yên.
Mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử ở Quy Hòa. Ảnh: ĐOAN NGỌC
Rảo bước từ phía biển đến tham quan vườn tượng danh nhân y học, men theo con đường nhỏ rợp bóng cây xanh qua các khu nhà đều có cây xanh và hoa với lối kiến trúc Pháp độc đáo. Nơi cuối làng, ngư dân sửa soạn những chiếc thúng, sõng để chờ ngày biển êm sẽ ra biển đánh cá, nhịp sống bình dị, chầm chậm diễn ra từng ngày, chỉ bao nhiêu đó thôi cũng khiến bạn cảm thấy bao mệt mỏi dường như tan biến khi đến đây tham quan.
Đến Quy Hòa, bạn không thể không nhớ đến thi sĩ Hàn Mặc Tử và quá bước đến khu phòng lưu niệm của ông. Căn phòng nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử từng tá túc có những hiện vật, hình ảnh lưu dấu người thi sĩ tài hoa trong những năm tháng cuối đời tại vùng đất Quy Hòa. Phía con đường dẫn vào Quy Hòa là ngôi mộ gốc của nhà thơ Hàn Mặc Tử nằm bên chân núi. Sau khi mất, Hàn thi sĩ được an táng ở Quy Hòa, đến năm 1959, người thân đã cải táng dời mộ của ông ra khu Ghềnh Ráng, nhưng ngôi mộ gốc vẫn được giữ lại làm nơi lưu niệm.
Phía sau của Tu viện Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ ở Quy Hòa mang cảnh đẹp yên bình. Ảnh: ĐOAN NGỌC
Rời Quy Hòa, theo con đường bê tông dẫn về phía cuối làng là đường ra đến Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) và Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo. Đến đây, bạn có thể trải nghiệm thêm điểm đến mang nét riêng du lịch khám phá khoa học ở Quy Nhơn. Từ đây đi theo hướng Đại lộ khoa học đến QL 1D hướng về Quy Nhơn là “cung đường gà chỉ” với những quán vườn nằm san sát dưới chân đồi. Gà ở đây có đủ kiểu chế biến thành nhiều món gà hấp hành, chiên mắm, nấu lá giang, nướng, bóp gỏi… mang hương vị riêng để phục vụ du khách ghé đến.
Trên đường về lại phố biển Quy Nhơn, bạn có thể ghé qua tham quan khu du lịch Ghềnh Ráng, nơi có nhà thờ đá cổ kính, cùng ngôi mộ cải táng của thi sĩ Hàn Mặc Tử, bãi tắm Hoàng hậu, ghé quầy bán hàng lưu niệm bút lửa Dzũ Kha để mua những bức tranh vẽ bằng nghệ thuật khắc cháy trên gỗ về làm quà, ghi dấu lần đặt chân đến với Quy Hòa.
ĐOAN NGỌC