Bắt nhịp với thương mại điện tử
Bắt nhịp với “đường đua” thương mại điện tử, nhiều phụ nữ là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh chủ động học hỏi, linh hoạt trong xây dựng kênh bán hàng, mạnh dạn livestream giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như TikTok, Shopee và các mạng xã hội như YouTube, Facebook…
Chăm chỉ, kỷ luật là điều tiên quyết
Sau 2 năm xây dựng kênh, tài khoản TikTok thuoccoba store của chị Nguyễn Thị Thuộc, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh Thuộc Cô Ba (phường Tam Quan Nam, TX Hoài Nhơn) có 401,6 nghìn người theo dõi, 6 triệu lượt thích; cùng với đó tài khoản Thuộc cô ba Bình Định có gần 3.000 người theo dõi và hơn 3.000 lượt thích. Ngoài ra, tài khoản Facebook Thuộc Cô Ba có 248 nghìn người theo dõi. Mỗi sản phẩm đăng bán trên nền tảng TikTok có từ vài trăm lượt mua đến vài nghìn lượt mua thậm chí là vài chục nghìn lượt.
Chị Nguyễn Thị Thuộc giới thiệu sản phẩm với khách hàng một cách chân thật, gần gũi. Ảnh: NVCC
Theo chị Nguyễn Thị Thuộc, cửa hàng của chị chuyên sản xuất, kinh doanh các loại mắm truyền thống, đặc sản của địa phương như: Nước mắm nhỉ, mắm mực, mắm cái cá cơm, củ kiệu ngâm nước mắm nhỉ, mắm ruột thịt cá ngừ... Để tiếp cận khách hàng, chị xây dựng ý tưởng, thực hiện các video quảng bá sản phẩm theo hướng gần gũi, giới thiệu được nét đặc trưng của ẩm thực, văn hóa ẩm thực vùng biển quê chị. Thông qua các video, khách hàng cũng có thêm gợi ý cách chế biến món ăn phù hợp với từng mặt hàng mà chị kinh doanh.
“Để xây dựng kênh thành công, ngoài sự chăm chỉ, tính kỷ luật là yếu tố cực kỳ quan trọng. Người thực hiện phải lên kế hoạch rõ ràng mỗi ngày đăng bao nhiêu video, vào khung giờ cố định nào. Nội dung các video phải rõ ràng, nhất quán; đồng thời phải theo dõi các video đã đăng để có sự điều chỉnh phù hợp”, chị Thuộc chia sẻ.
Chị Đặng Thị Ngọc Linh đang livestream giới thiệu sản phẩm. Ảnh: T.K
Cũng gia nhập “đường đua” thương mại điện tử, chị Đặng Thị Ngọc Linh, chủ xưởng may Ngọc Linh (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) đưa hàng hóa đến gần với khách hàng hơn thông qua các sàn thương mại TikTok, Shopee.
Theo chị Linh, năm 2014, chị bắt đầu mở xưởng chuyên may đồ trẻ em tại TP Hồ Chí Minh. Nhờ uy tín và chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, xưởng của chị đến gần với khách hàng và tìm được nhiều đơn hàng lớn. Sau khi chuyển cơ sở về quê, chị nhanh chóng bắt nhịp thương mại điện tử và đầu tư phòng livestream nhỏ để tiện tư vấn cho khách hàng.
“Dù kinh doanh ở bất kỳ nền tảng nào, sự kiên trì là điều cần thiết. Ngoài kịp thời giải đáp thắc mắc cho khách hàng, việc đều đặn đăng video và livestream vào khung giờ nhất định giúp tăng sự nhận diện, gây được sự chú ý. Tất nhiên giai đoạn đầu sẽ gặp nhiều khó khăn như đăng video không có người xem, livestream mà không có người tương tác. Đây là giai đoạn dễ chán nản, bỏ cuộc nhất nên cần phải cố gắng, quyết tâm lớn mới vượt qua”, chị Linh cho hay.
Nắm rõ sản phẩm, trò chuyện tự nhiên
Đã có cơ hội livestream giới thiệu sản phẩm cùng người nổi tiếng, chị Đỗ Thị Thu Thảo, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh Mộc Thảo (xã An Hòa, huyện An Lão) cho biết: “Ưu điểm của các phiên livestream với người nổi tiếng là có lượng tương tác cao, có sự tin tưởng nhất định. Tuy nhiên, ngay cả khi có người nổi tiếng hỗ trợ, để sản phẩm dễ dàng gây được ấn tượng với khách hàng, đại diện cơ sở, đại diện nhà sản xuất phải nắm rõ sản phẩm của mình để giới thiệu súc tích, ngắn gọn nhưng đầy đủ về sản phẩm, giúp buổi livestream đạt được hiệu quả tốt. Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục hợp tác với người có lượng tương tác cao để livestream đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng”.
Chị Đỗ Thị Thu Thảo (phải) livestream cùng chị Bùi Thị Mỹ Dân, chủ kênh TikTok “Dân Bùi Xứ Nẫu” để giới thiệu sản phẩm. Ảnh: NVCC
Còn đối với chị Đặng Thị Ngọc Linh, vì là sản phẩm dành cho trẻ em nên ngoài kiểu dáng, chị còn tập trung giới thiệu kỹ về chất liệu. “Đối với những video ngắn, tôi tập trung giới thiệu về các yếu tố như: Màu sắc, kích cỡ, chất liệu, giá cả, đường may mũi chỉ, cách in hoa văn... để khách hàng tham khảo. Còn trong lúc livestream, tôi tập trung trả lời, giải đáp những thắc mắc của khách hàng và trò chuyện những vấn đề liên quan”, chị Linh bày tỏ.
Không livestream tại phòng chuyên dụng như chị Linh, chị Thuộc chọn địa điểm livestream linh hoạt hơn như tại cơ sở sản xuất hoặc tại bãi biển quê chị, tạo sự gần gũi, thân thuộc. Trong khi livestream chị dùng thử các sản phẩm, giới thiệu hương vị, hướng dẫn khách hàng cách chế biến và kể những câu chuyện xung quanh sản phẩm của mình.
Theo chị Thuộc, vì đồng thời livestream trên nhiều nền tảng như TikTok, YouTube, Facebook, chị phải vừa giới thiệu sản phẩm vừa chú ý sự tương tác của khách hàng trên các nền tảng để giải đáp kịp thời. Đồng thời, để tạo sự chú ý, hình ảnh của buổi livestream phải chỉn chu từ trang phục, sản phẩm, ánh sáng và cách trò chuyện để khách hàng cảm thấy dễ chịu và thu hút.
“Theo thống kê của nền tảng tiếp thị liên kết Accesstrade, người Việt có 13 giờ/tuần để xem livestream bán hàng và mua hàng online, đứng thứ 11 trên thế giới, do vậy đây là mảnh đất tốt để quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên có một điều cần lưu ý, khi livestream là phải vượt qua được những bình luận tiêu cực nhưng vẫn phải cầu thị lắng nghe để điều chỉnh phù hợp. Ngoài ra, việc trò chuyện trước màn hình tương đối khó đối với những người chưa quen. Đòi hỏi người trong cuộc phải tâm huyết với sản phẩm, sự kiên trì, bền bỉ mới giúp vượt qua trở ngại ban đầu và gần gũi với khách hàng hơn”, chị Thuộc tâm sự.
THẢO KHUY