Người mắc bệnh viêm họng hạt nên lưu ý
Viêm họng hạt là tình trạng viêm họng mạn tính, viêm nhiễm kéo dài và dễ tái phát. Bệnh gây khó chịu, làm suy giảm chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân thường gặp là do không điều trị viêm họng dứt điểm, các đợt điều trị viêm họng thường chỉ kéo dài trong vài tuần và thuyên giảm nhanh khi được chăm sóc, sử dụng thuốc. Tuy nhiên nếu chủ quan, bệnh có thể kéo dài và tái phát nhiều lần dẫn đến tăng sản nang lympho và hình thành viêm họng hạt. Ngoài ra, viêm họng hạt cũng có thể xảy ra do viêm xoang và polyp mũi. Các bệnh lý này khiến dịch nhầy, mủ thường xuyên chảy xuống cổ họng.
Vi rút, vi khuẩn trong dịch nhầy kích thích phản ứng của nang lympho khiến thành sau họng xuất hiện các đốm, hạt có màu hồng hoặc đỏ. Lệch vách ngăn mũi làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh hô hấp mãn tính như viêm xoang, viêm họng và viêm amidan.
Nguy cơ bị viêm họng hạt cũng có thể tăng lên khi có những yếu tố như có thói quen thở bằng miệng, vệ sinh răng miệng kém; thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố kích thích như bụi, hóa chất, rượu, thuốc lá, sợi bông…; thường xuyên tiếp xúc với những người bị viêm đường hô hấp cấp; sinh sống trong môi trường ô nhiễm; hệ miễn dịch kém...
Bác sĩ Nguyễn Thành Long, Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng (BVĐK tỉnh), cho biết: “Người bệnh có biểu hiện như ngứa hay vướng họng, thường hay khạc nhổ để cảm giác ngứa họng bớt đi. Đôi lúc họng thấy khô rát khó chịu, nuốt đau, ho cơn, niêm mạc họng đỏ, dày, ướt, có những hạt ở thành sau họng... Viêm họng hạt kéo dài làm tăng nguy cơ bị viêm phế quản mãn tính, viêm thanh quản mãn tính...”.
Để phòng ngừa bệnh tái phát cần giữ sạch răng miệng, đánh răng và súc miệng kỹ sau ăn. Không hút thuốc lá, kể cả hút thụ động, kiêng rượu, tránh ăn kem, uống nước đá lạnh… Nên dùng nước ấm, trà gừng, nước mật ong ấm, trà nghệ, bạc hà, để làm dịu niêm mạc họng và cải thiện nhanh các triệu chứng khó chịu. Giữ ấm cơ thể, nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc để nâng đỡ thể trạng và cải thiện hệ miễn dịch. Ngậm nước muối thường xuyên để giảm đau, ngứa cổ họng và hỗ trợ loại bỏ đờm ứ. Khi bị viêm họng cấp cần điều trị dứt điểm, không để kéo dài trở thành mạn tính. Thăm khám và tích cực điều trị trào ngược dạ dày thực quản. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa để đảm bảo không gian sống trong lành...
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)