Khi nông dân nói về giao thông
Ngày 26.9, Ban ATGT tỉnh phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh tổ chức cuộc thi “Nông dân với ATGT năm 2014” với sự tham gia của các đơn vị đến từ 11 huyện, thị xã, thành phố. Các đội trải qua 3 vòng thi: Tự giới thiệu về mình, Kiến thức pháp luật về ATGT (gồm phần thi trắc nghiệm và xử lý tình huống), Hùng biện. Kết quả, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cho huyện Vân Canh, giải Nhì cho 2 huyện Hoài Ân, Phù Mỹ và giải Ba cho các huyện: Phù Cát, Tuy Phước và TP Quy Nhơn.
Theo ông Đỗ Thiện Chế, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đây là lần đầu tiên Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức một cuộc thi riêng cho nông dân về ATGT. Đối tượng tham gia đều là những nông dân thực thụ, từ 35 tuổi trở lên. Nội dung các câu hỏi, tình huống sát thực với tình hình ATGT ở nông thôn. Còn hai thành viên của đội Tây Sơn là chị Phạm Thị Hoa (ở thôn Phú Hòa, xã Tây Xuân) và Đào Thị Ngưu (thôn Phú Hiệp, xã Tây Phú) thì cho biết, họ tranh thủ đọc tài liệu cuộc thi vào lúc… nấu cháo heo, nấu rượu. Chị Ngưu nói thêm: “Qua hội thi, tôi thu lượm kiến thức giao thông cho bản thân được nhiều điều lắm, như ý nghĩa của các biển báo giao thông chẳng hạn, lâu nay thấy nhiều nhưng tôi không hiểu hết ý nghĩa của chúng, rồi đến việc đọc các hình ảnh trên sa hình. Thì ra, lâu nay cũng có cái mình đi sai luật mà không hề biết”.
Những nguyên nhân gây TNGT và nông dân có những hành động thiết thực gì để giảm thiểu TNGT cũng được các thí sinh trình bày khá phong phú trong phần thi Hùng biện.
Thí sinh ở đơn vị miền núi Vân Canh dẫn chứng tác hại của bia rượu đối với người điều khiển phương tiện giao thông qua câu chuyện kể có thật ở địa phương. Đó là hai cháu bé đã sớm mồ côi mẹ; còn cha, trong một lần nhậu say khướt đã đâm thẳng xe vào cột điện bên đường đến mất mạng, để lại hai con thơ bơ vơ giữa cõi đời. Thí sinh này cũng đề nghị, cần phải có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những kẻ sử dụng bia rượu quá mức cho phép khi tham gia giao thông. Trong khi đó, từ những vụ TNGT dồn dập xảy ra trên QL 19 và QL 1A đoạn qua địa bàn Tuy Phước trong 9 tháng đầu năm 2014 làm 16 người chết, thí sinh huyện này đã phân tích những bất cập trong hạ tầng giao thông hiện nay: Đường xuống cấp nghiêm trọng, bị che khuất tầm nhìn, bị lấn chiếm.
Hiện nay, tình trạng nông dân lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, gây cản trở giao thông bởi các hành động như phơi rơm rạ, thóc lúa, chở hàng cồng kềnh và chăn dắt trâu bò tự do trên đường tỉnh lộ, quốc lộ góp phần làm tăng TNGT ở địa bàn nông thôn. Hành động đó đến từ sự vô ý thức hay đơn giản chỉ là sự tiện lợi của người nông dân nhưng vô tình đã tạo nên những nỗi đau vô bờ cho người khác.
Thí sinh ở huyện Hoài Ân mang đến cho người nghe một câu chuyện về TNGT thương tâm bởi sự vô ý thức này. Một sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia, sau thời gian thực tập ở địa phương đã được lãnh đạo huyện đồng ý nhận vào làm việc. Khi chở bạn gái đi uống nước mừng niềm vui này trên tuyến ĐT 630, vì lách qua đống rơm chất lấn bên đường và giữa một làn khói rơm dày đặc của người đốt đồng, em này đã không thấy đường nên đâm vào chiếc xe độ chế chở rơm chạy hướng ngược lại. Tiếng khóc ai oán của người mẹ trong đám tang con trai: “Ai chất rơm bên đường ác nhơn vậy trời!” khiến mọi người không khỏi day dứt…
Những mẩu chuyện, câu chuyện người thật việc thật về ATGT, TNGT ở thôn quê được những nông dân thực thụ kể lại trong Hội thi này, đã mang đến cho người nghe những cái nhìn đa chiều hơn về thực trạng giao thông nông thôn. Để từ đó, các cơ quan chức năng có những hoạch định, biện pháp mới trong công tác tuyên truyền, giảm thiểu TNGT ở khu vực này.
THU HÀ