Sắp xếp trạm y tế tại TP Quy Nhơn: Không làm gián đoạn việc phục vụ người dân
Công tác khám chữa bệnh ban đầu và thực hiện chương trình y tế tại 2 trạm y tế mới được sáp nhập, tổ chức lại tại TP Quy Nhơn đang được triển khai khẩn trương để tránh gián đoạn, ảnh hưởng bệnh nhân, người dân.
Ngày 3.12, hai trạm y tế mới sau khi sáp nhập, tổ chức lại, gồm: Trạm Y tế phường Trần Phú (sáp nhập 3 trạm y tế phường Trần Phú, Lê Hồng Phong, Lý Thường Kiệt); Trạm Y tế phường Thị Nại (sáp nhập 3 trạm y tế phường Thị Nại, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi) chính thức đi vào hoạt động.
Việc sáp nhập, tổ chức lại các trạm y tế phường được thực hiện ngay sau công bố Nghị quyết 1257 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn TP Quy Nhơn.
Tránh gián đoạn, ảnh hưởng đến bệnh nhân
Chiều 6.12, hai vợ chồng ông Định (78 tuổi, ở phường Lê Hồng Phong (cũ), nay là phường Trần Phú) đón taxi đến Trạm Y tế phường Trần Phú mới tổ chức lại tại địa chỉ 124 Nguyễn Huệ, để tiêm thuốc định kỳ điều trị bệnh thận. “Theo chỉ định của bệnh viện, hằng tuần tôi đều đến trạm để tiêm thuốc. Hai tháng nay tiêm ở trạm cũ, sáng 6.12 theo lịch đến trạm thì được nhân viên y tế chỉ qua Trạm Y tế phường Trần Phú mới. Đi có hơi xa một chút thôi chứ mọi việc vẫn thuận lợi, không ảnh hưởng gì việc khám bệnh, tiêm thuốc”, ông Định cho hay.
Bệnh nhân Trần Xuân Bình được tiêm thuốc điều trị lao tại Trạm Y tế phường Thị Nại. Ảnh: M.H
Bác sĩ CKI Cao Thị Mỹ Hòa, Trưởng Trạm Y tế phường Trần Phú, cho hay, một trong những hoạt động quan trọng của trạm mới là phải đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân trong bối cảnh sắp xếp trạm hiện nay. Vì là trạm được chọn làm cơ sở chính, không phải chuyển đi nơi khác nên các hoạt động khám chữa bệnh vẫn được thông suốt. Hiện tại, ngoài đảm nhận khám chữa bệnh cho người dân 3 phường cũ, trạm mới còn “chia sẻ” với Trạm Y tế phường Thị Nại mới. Lượng bệnh nhân khá đông, trong 3 ngày hoạt động ở trạm mới (từ ngày 4 - 6.12), đã có 67 bệnh nhân, đa số là bệnh nhân lao nhận thuốc chương trình BHYT. Tất cả phải làm rất kịp thời để cấp thuốc cho bệnh nhân, không được gián đoạn, ảnh hưởng liệu trình điều trị.
Còn Trạm Y tế phường Thị Nại mới hoạt động tại trụ sở của Trạm Y tế phường Trần Hưng Đạo (cũ) ở 153 Trần Cao Vân. Sáng 7.12, ca trực của y sĩ Nguyễn Khuê Trâm, Phó trưởng Trạm Y tế phường Thị Nại mới, chủ yếu là bệnh nhân lao đến trạm thực hiện tiêm thuốc điều trị bệnh lao hằng ngày.
Ông Trần Xuân Bình (64 tuổi, ở khu phố 5, phường Lê Lợi cũ, nay là khu phố 18, phường Thị Nại) cho biết, được nhân viên y tế chuyên trách theo dõi chương trình lao thông báo về việc thành lập trạm mới và hoạt động ở địa chỉ mới, nên không gặp khó khăn, bất tiện.
Theo y sĩ Trâm, trạm chủ động cử người đi nhận thuốc lao để đảm bảo cấp cho bệnh nhân. Riêng hoạt động khám chữa bệnh, trong khi chờ cấp phép thì trạm hướng dẫn người dân đến TTYT TP Quy Nhơn, hoặc trạm y tế gần nhất.
Khẩn trương nắm địa bàn, triển khai chương trình y tế
Tổng biên chế 6 trạm y tế cũ là 40, sau khi sáp nhập, Trạm Y tế phường Thị Nại có 16 biên chế (hiện có 15), Trạm Y tế phường Trần Phú bố trí 15 biên chế (hiện có 14).
Bác sĩ CKI Trần Thị Tiên Mỹ, Trưởng Trạm Y tế phường Thị Nại, cho hay, với cơ cấu nhân lực này, trạm đảm nhận quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho hơn 36.000 dân trong phường, trong điều kiện địa bàn rộng, nhiều dân nên cũng có khó khăn nhất định. Tuy nhiên, trạm sắp xếp những chương trình lớn như lao, tâm thần, các bệnh không lây nhiễm, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêm chủng, dân số… đều phải phối hợp nhiệm vụ của 2 - 3 nhân viên y tế. Đồng thời, kiến nghị lên Đảng ủy, UBND phường mới có sự chỉ đạo các lực lượng địa phương phối hợp, hỗ trợ cho nhân viên y tế thực hiện nắm địa bàn. “Chúng tôi khẩn trương nắm chắc địa bàn, cố gắng triển khai các hoạt động y tế, tháo gỡ dần khó khăn, vướng ở đâu thì báo cáo cấp có thẩm quyền ngay để xử lý”, bác sĩ Trần Thị Tiên Mỹ nói.
Trong khi đó, bác sĩ Cao Thị Mỹ Hòa cũng nêu khó khăn địa bàn rộng, nhân lực không phải nhập cơ học mà phải bố trí, sắp xếp lại theo quy định, tinh giản. Đơn cử như chỉ tiêu phân về 1 viên chức dân số thì việc quản lý, tuyên truyền, theo dõi dân cư địa bàn rộng rất khó, công tác quản lý bà mẹ, trẻ em sẽ khó bề làm tốt. Việc đảm bảo công tác tiếp cận địa bàn, tuyên truyền, quản lý dân cư phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn phường cũng không đơn giản.
Bác sĩ CKII Trần Kỳ Hậu, Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn, khẳng định: “Trung tâm có kế hoạch hỗ trợ lực lượng cho hai trạm. Riêng khám chữa bệnh ban đầu tại Trạm Y tế phường Thị Nại, Sở Y tế, TTYT thành phố đang xúc tiến nhanh việc cấp mới giấy phép hoạt động. Tất nhiên cũng có tác động nhất định, song chúng tôi cố gắng không để ảnh hưởng lớn”.
MAI HOÀNG