Tổng Bí thư: Tiếp tục tham mưu để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng về kinh tế
Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Ban Kinh tế Trung ương cần tập trung nghiên cứu tham mưu về đường hướng phát triển kinh tế xã hội cho Đảng và Nhà nước trong thời gian tới.
Sáng nay (9.12) tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương về kết quả thực hiện nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay.
Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương
Cùng dự có ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, các Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Chánh văn phòng Trung ương Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và lãnh đạo một số Ban, Bộ ngành Trung ương.
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương
Khai mạc buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định vai trò quan trọng của Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng trong việc hoạch định các đường lối chủ trương của Đảng trong quá trình phát triển KT-XH của Đất nước, nhấn mạnh về nguy cơ tụt hậu và chệch hướng trong quá trình phát triển về kinh tế có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, do đó Ban Kinh tế Trung ương cần tập trung nghiên cứu tham mưu về đường hướng phát triển KT-XH cho Đảng và Nhà nước trong thời gian tới.
Tổng Bí thư đề nghị: "Chúng ta không đi vào điều hành cụ thể. Việc đó của Chính phủ nhưng Ban phải tham mưu để ban hành được chính sách, chiến lược phát triển KT-XH, đó là vai trò của Ban Kinh tế Trung ương, nói nôm na hướng tới thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân. Nhiệm vụ vai trò của Ban là rất lớn, không thể cứ chờ Trung ương giao việc gì chúng ta hoàn thành việc đó, điều quan trọng là Ban phải chủ động, tích cực, cứ nhìn xa trông rộng, chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp để chỉ đạo điều hành để Đất nước phát triển ổn định lâu dài trong thời gian tới”.
Được thành lập theo Quyết nghị số 57 ngày 30.9.1950 của Ban Thường vụ Trung ương (khóa I), kể từ khi thành lập đến nay, dù trải qua nhiều lần hợp nhất, điều chỉnh về tên gọi và chức năng, nhiệm vụ nhưng Ban Kinh tế Trung ương vẫn khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trong việc tham mưu giúp Trung ương Đảng lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời các vấn đề lớn về KT-XH.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban đã chủ trì xây dựng và hoàn thành 23 đề án về kinh tế - xã hội trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 19 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, cụ thể gồm: 3 nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương; 7 nghị quyết và 4 kết luận của Bộ Chính trị; 2 kết luận và 3 Chỉ thị của Ban Bí thư. Đây là các văn kiện hết sức quan trọng nhằm cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các quan điểm, định hướng lớn của Đảng về phát triển KT-XH mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Bên cạnh việc chủ trì xây dựng các đề án, Ban đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan liên quan triển khai xây dựng 15 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng về KT-XH …
Các nghị quyết do Ban Kinh tế Trung ương tham mưu trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay cũng như các nội dung Ban đang tiếp tục nghiên cứu để trình trong thời gian tới đã và sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; đồng thời góp phần xây dựng văn kiện Đại hội XIV của Đảng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài phát biểu và bài viết gần đây.
Theo Văn Hiếu (VOV)