Bảo đảm quyền thụ hưởng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, bảo đảm quyền thụ hưởng văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân là một trong những chủ trương, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng được Đảng, Nhà nước ta triển khai trong nhiều thập kỷ qua. Đáng chú ý, những năm gần đây, việc thực hiện quyền tiếp cận và thụ hưởng văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số được chỉ đạo, triển khai bằng những chính sách thiết thực và hiệu quả.
Quyền thụ hưởng các giá trị văn hóa là một trong những biểu hiện nhân văn và tiến bộ của một quốc gia. Tại Việt Nam, từ nhiều năm nay, việc bảo đảm cho người dân được thụ hưởng các quyền văn hóa luôn được Đảng, Nhà nước ta chú trọng, thực hiện theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với các công ước quốc tế.
Đồng bào người Dao ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng bảo tồn và phát huy giá trị nghề in hoa văn sáp ong truyền thống. (Ảnh THÀNH NAM)
Là quốc gia có 54 dân tộc cùng sinh sống, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền văn hóa Việt Nam; tôn trọng tính đa dạng văn hóa cũng như chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc, coi đó là tài sản quý báu của toàn xã hội.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều quy định pháp luật để bảo đảm, thúc đẩy quyền của các tầng lớp nhân dân được tham gia vào các hoạt động của đời sống văn hóa và bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Đáng chú ý, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa ở Việt Nam được công nhận bằng pháp lý lần đầu tiên tại Hiến pháp sửa đổi, bổ sung năm 2013, tập trung vào các khía cạnh sáng tạo, tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần xã hội.
Đồng thời, Điều 41 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp thúc đẩy quyền thụ hưởng văn hóa trong cộng đồng, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Với phương châm “hướng mạnh về cơ sở, ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số”, đến nay, nhiều xã miền núi, biên giới đã được xây dựng trung tâm văn hóa-thể thao, điểm bưu điện văn hóa, phòng đọc cộng đồng, điểm truy nhập internet công cộng. Vấn đề bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc được quan tâm; tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số được gìn giữ.
Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số được triển khai trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Việc thực hiện phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc ngày càng được chú trọng.
Nhiều di sản của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Bên cạnh đó, nỗ lực bảo đảm quyền tham gia vào đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số cũng được cụ thể hóa trong hàng loạt chính sách như: Hỗ trợ việc sưu tầm, nghiên cứu, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống; hỗ trợ việc giữ gìn và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số; hỗ trợ việc đầu tư, giữ gìn, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng; hỗ trợ xây dựng, khai thác sử dụng có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Mặt khác, bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc là nguyên tắc đồng thời là nội dung cơ bản, nhất quán, xuyên suốt trong chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta. Bình đẳng giữa các dân tộc không có nghĩa là cào bằng mà tùy tình hình thực tế có sự ưu tiên, hỗ trợ đặc thù để các dân tộc cùng phát triển.
Do đó, cùng với việc xây dựng các thiết chế văn hóa ở địa bàn miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, Đảng, Nhà nước ta đã có những cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc thiểu số rất ít người (dưới 10.000 người), điển hình như Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).
Các hoạt động của dự án đã góp phần khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc.
Nhờ những kết quả đạt được trên thực tế, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số các quốc gia áp dụng hiệu quả ICESCR (Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa) về quyền văn hóa, ICCPR (Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị) về quyền có nền văn hóa riêng của người dân tộc thiểu số.
Bà Farida Shaheed, nguyên báo cáo viên đặc biệt về quyền văn hóa của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhận định: Việt Nam đã có những kết quả nổi bật trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ cũng như cải thiện các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là việc mở rộng tiếp cận của người dân với giáo dục và văn hóa tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, rào cản khiến việc thực hiện quyền thụ hưởng các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự hiệu quả. Khó khăn lớn nhất là bản sắc văn hóa của một số dân tộc đang đứng trước nguy cơ mai một, một số giá trị bản địa bị biến đổi không còn đúng với nguyên gốc, nhất là ở các cộng đồng nghèo và các tộc người thiểu số rất ít người.
Từ ngôn ngữ đến không gian, kiến trúc nhà ở, các lễ nghi quan trọng trong đời sống xã hội (tang ma, hôn nhân, thờ cúng...) hay truyền thống của từng tộc người còn ít được duy trì. Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế xã hội năm 2019, về kiến trúc nhà ở, chỉ có hơn một phần tư số hộ người dân tộc thiểu số (26,2%) đang sống trong các ngôi nhà truyền thống của dân tộc mình, giảm 3,1% so với năm 2015.
Bên cạnh đó, những làn điệu dân ca đặc trưng của nhiều dân tộc như: Hát then, hát giao duyên, hát quan làng... chỉ tồn tại ở các câu lạc bộ chứ không sống động ở các môi trường dân gian. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết điệu múa truyền thống của dân tộc mình là rất thấp, thí dụ Nùng: 0,9%; Si La: 1,3%; Sán Chay: 1,5%... Một số dân tộc còn đứng trước nguy cơ bị mai một chữ viết, tiếng nói, như các dân tộc Kháng, La Ha, Xinh Mun... vùng Tây Bắc rất ít sử dụng ngôn ngữ dân tộc mình mà chủ yếu sử dụng ngôn ngữ Thái trong giao tiếp.
Tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết chữ của dân tộc mình còn rất thấp, chỉ 15,9%. Hệ thống các thiết chế và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa nhìn chung thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng còn thấp. Thí dụ như tại tỉnh Thừa Thiên Huế, phần lớn các nhà văn hóa không đạt tiêu chuẩn theo quy định, có nơi được cải tạo từ các nhà trẻ, nhà kho hợp tác xã cũ, thiếu trang thiết bị để hoạt động.
Việc quy hoạch, thiết kế nhà văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số không phù hợp, xa khu dân cư, không thuận tiện cho việc tổ chức các hoạt động để thu hút đồng bào tham gia. Mặt khác, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu các sản phẩm văn hóa, nhất là các sản phẩm văn hóa có nội dung và hình thức phù hợp với trình độ và thị hiếu của đồng bào.
Lợi dụng những hạn chế, bất cập này, các thế lực thù địch, phản động ra sức xuyên tạc về chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước như việc lan truyền thông tin sai sự thật rằng đời sống văn hóa của người dân tộc thiểu số vô cùng nghèo nàn do không được quan tâm đầu tư, ít có điều kiện tiếp cận với thế giới văn minh bên ngoài.
Các đối tượng vu khống Đảng, Nhà nước không tôn trọng các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc; ép đồng bào dân tộc thiểu số phải bỏ văn hóa truyền thống để hòa nhập với cuộc sống văn minh tiến bộ của người Kinh. Thậm chí, chúng còn tuyên truyền lừa bịp những người nhẹ dạ rằng Đảng và Nhà nước đang tiến hành “đồng hóa văn hóa” để phục vụ mục đích “cai trị”.
Những luận điệu xuyên tạc trên tuy không mới nhưng lại rất nguy hiểm bởi nó xuất hiện với tần suất ngày càng gia tăng trên các nền tảng mạng xã hội với nhiều hình thức tinh vi, khó lường, khiến nhiều người do thiếu thông tin, nhẹ dạ đã lầm tưởng thật, từ đó suy giảm lòng tin đối với Đảng, Nhà nước, gây mâu thuẫn, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đe dọa phát sinh những bất ổn về chính trị-xã hội, tiêu biểu như việc một số người dân bị đối tượng xấu kích động đã lên tiếng đòi quyền “tự trị”. Do đó, việc nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn các luận điệu chống phá về vấn đề này cần tiếp tục đẩy mạnh.
Bối cảnh hiện nay, đặt ra yêu cầu đối với các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng phải tiếp tục tìm ra các giải pháp để bảo đảm quyền thụ hưởng và tiếp cận các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số bền vững và hiệu quả hơn. Trước hết, cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách văn hóa đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc và miền núi.
Trên cơ sở rà soát, bổ sung và hoàn chỉnh những chính sách đã có, các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu ban hành những chính sách mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác dân tộc trong giai đoạn mới. Chú trọng đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên đầu tư cho việc giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống; hiện đại hóa mạng lưới thông tin đại chúng, tăng cường số lượng và chất lượng các sản phẩm văn hóa phù hợp.
Xây dựng đồng bộ và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cộng đồng, thực sự phát huy vai trò của người dân trong tổ chức các hoạt động cộng đồng. Tiếp tục thực hiện xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao mức sống của đồng bào bởi đây là tiền đề để đồng bào tiếp cận và thụ hưởng văn hóa tốt hơn. Những kết quả đạt được sẽ là lời đáp trả thuyết phục nhất để phản bác và đẩy lùi những quan điểm thù địch, thiếu thiện chí của các đối tượng chống phá, thù địch.
(Theo NDO)