Chuyện từ những ngôi nhà cổ ở Tây Sơn
Thời gian qua, nhiều ngôi nhà gỗ cổ ở huyện Tây Sơn được quan tâm trùng tu, giữ lại khá nguyên dáng vóc của kiến trúc xưa. Bên cạnh đó, nhiều ngôi nhà được người dân xây dựng theo kiến trúc của hàng trăm năm trước, góp phần chung tay bảo tồn nhà cổ và phát huy kiến trúc cổ của cha ông xưa.
Có hứng thú với những ngôi nhà cổ, với những hoa văn gỗ tinh xảo, anh Lương Văn Quang, ở thị trấn Phú Phong, tham gia xây dựng, sửa chữa nhà cổ từ năm 1997. Vừa làm vừa học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ thuật liên quan, dần dần tình yêu đối với những công trình kiến trúc xưa trong anh đầy đặn thêm.
Anh Quang cho biết: “Những ngôi nhà xưa, đặc biệt là nhà gỗ theo kiến trúc cổ không chỉ đẹp về hình thức mà còn chứa đựng hồn cốt, nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Xây dựng, sửa chữa nhà cổ rất khó, nhưng vì say mê nét cổ kính của những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi, tôi nỗ lực theo nghề để góp phần giữ lại nét độc đáo của quê hương”.
Những ngôi nhà cổ được nhiều người chọn là nơi để lưu giữ lại những bức hình mang đậm không gian xưa. Ảnh: ĐINH NGỌC
Cùng chung niềm đam mê nhà cổ, anh Trịnh Hùng Kiệt, cùng ở thị trấn Phú Phong, cũng bén duyên công việc xây dựng loại nhà này cách đây chừng 20 năm. Anh Kiệt cho hay: “Chỉ sau một lần tham gia trùng tu ngôi nhà gỗ cổ ở Thuận Nghĩa, Phú Phong cách đây hơn 20 năm, tôi say mê với kiến trúc cổ xưa và từ đó theo đuổi việc xây dựng nhà cổ cho đến bây giờ. Khi hoàn thành một ngôi nhà cổ, tôi cảm thấy lòng mình vui vô cùng”.
Theo những người thợ tôi có cơ hội làm việc, thời gian xây dựng một ngôi nhà gỗ tầm trung mất khoảng 1 - 2 năm. Một nếp nhà gỗ cổ dù là 5 gian hay 3 gian đều phải trải qua nhiều công đoạn, từ lựa chọn nguyên vật liệu, loại gỗ cho ngôi nhà, tạo hình, thiết kế, chọn tích, điêu khắc, trang trí. Các ngôi nhà gỗ làm theo kiểu cổ thường mất nhiều thời gian nhất vào việc chạm khắc. Và đây là nơi thể hiện sở thích, tâm nguyện của chủ nhân ngôi nhà nhiều nhất; cũng là nơi cho biết trình độ chuyên môn của đội thợ làm nhà.
Chị Trần Thị Liên Bích, người trông coi nhà cổ “Trần từ đường” ở khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, cho biết: “Ngôi nhà cổ tôi đang ở đã có hàng trăm năm tuổi. Theo thời gian, không chỉ ngôi nhà bị xuống cấp, mà cả các vật dụng trong nhà như lư đồng, các áng thờ, liễn đối cũng bị hư hao, thất lạc... Việc bảo tồn nhà cổ rất khó, nhưng với hy vọng giữ được không gian văn hóa đặc sắc từng là nơi sinh hoạt của ông bà, chung tay níu giữ hồn những nếp nhà gỗ cổ trước sự pha trộn không gian văn hóa, thời gian qua, gia đình cũng đã nỗ lực bảo tồn, mượn khuôn, nâng nền, lưu giữ lại cái cốt của ngôi nhà với ý nghĩ “ráng giữ được cái gì thì cố hết sức giữ””.
Ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: “Chúng tôi chưa thống kê bài bản, khoa học về số lượng nhà cổ trên địa bàn huyện. Nhưng điều chắc chắn là hiện còn khá nhiều; những ngôi nhà này có khá nhiều nét riêng so với những địa phương khác, có thể phát huy vào việc phục vụ du lịch. Thời gian tới, huyện sẽ giao cho ngành văn hóa phối hợp cùng với lãnh đạo các địa phương rà soát số lượng nhà gỗ cổ trên địa bàn; từ đó có phương án tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của những ngôi nhà cổ này. Trước mắt, tiếp tục động viên bà con gìn giữ, nâng cấp, sửa chữa nếu nhà cổ xuống cấp. Bên cạnh đó, sẽ tạo điều kiện cho các gia đình và các địa phương giữ gìn, phát huy được đường nét tinh hoa kiến trúc cổ xưa đặc sắc của địa phương, tạo thành sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo của địa phương”.
ĐINH NGỌC