Làm nhiều việc cùng lúc - tăng thu nhập, thêm kỹ năng
Làm hai công việc cùng lúc đang trở thành một xu hướng trong giới trẻ, nhất là những người làm ngành dịch vụ, công nghệ thông tin hay kinh doanh tự do. Không chỉ đơn thuần để tăng thu nhập, đây còn là cách để các bạn trẻ phát triển bản thân, tích lũy kinh nghiệm và thử sức mình.
Nhu cầu thực tế
Một trong những nguyên nhân chính khiến giới trẻ chọn làm hai công việc một lúc là tăng thu nhập. Với những công việc chính có tính chất không ổn định hoặc thu nhập không đều, việc có thêm nguồn thu giúp người trẻ giảm nỗi lo về kinh tế.
Chị Lê Thị Thân (SN 1993, ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn) đã kinh doanh hải sản từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, công việc này phụ thuộc nhiều vào mùa vụ và điều kiện thời tiết, khiến việc mua bán nhiều khi không ổn định. Do vậy, gần 2 năm nay chị Thân quyết định làm thêm “nghề tay trái” từ sở thích đan móc len.
Chị Lê Thị Thân (trái) giới thiệu sản phẩm bằng len do chị tự làm đến khách hàng. Ảnh: D.L
Chị Thân chia sẻ: “Tôi tự thiết kế búp bê, nhân vật hoạt hình và các loại cây trang trí theo mùa như quất, thông… để bán. Công việc này không mang tính mùa vụ, có thể linh động thời gian và địa điểm làm. Hơn nữa, vì đây là sở thích nên mình có thể làm đến tối mà không thấy mệt. Mỗi sản phẩm đều được tôi chăm sóc tỉ mỉ từng đường kim, đính kết chi tiết. Tháng vừa rồi, tôi bán được khoảng 100 con búp bê, con vật hoạt hình. Nghe khách hàng phản hồi sự hài lòng, tôi thấy công việc này không chỉ mang lại thu nhập mà còn là niềm vui mỗi ngày”.
Tương tự, 2 năm trước, Trần Thanh Thư (SN 1998, ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) đã cùng 2 người bạn mở tiệm online cung cấp nguyên liệu sashimi, đồng thời làm nhân viên bán thời gian tại tiệm cà phê. Hiện tại, Thư không chỉ được “thăng chức” làm quản lý của 2 chi nhánh cà phê, mà cửa hàng online cũng có lượng khách hàng ổn định.
“Ban đầu, tôi muốn thử sức với việc kinh doanh sashimi nhưng sợ thất bại. Để an toàn hơn, tôi làm thêm tại tiệm cà phê. Chí ít, nếu lỗ vốn bởi công việc kia thì sẽ có nguồn thu từ công việc còn lại đắp vào”, Thư chia sẻ.
Cùng với đó, người trẻ chọn làm “đúp” việc để tận dụng tối đa thời gian, trau dồi những kỹ năng liên quan, từ đó có sự chuẩn bị tốt hơn cho tương lai. Trần Minh Duy (SN 2005, ở phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) là trường hợp như vậy. Khi còn là sinh viên, Duy đã nhận việc lập trình website cho các công ty ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Sau khi ra trường, ngoài làm công việc lập trình, Duy nhận làm thêm việc quản trị website và một số trang mạng xã hội, hỗ trợ phần mềm máy tính.
Thêm thu nhập, tích lũy kinh nghiệm
Làm hai công việc một lúc giúp các bạn trẻ tiếp cận với nhiều môi trường làm việc khác nhau, từ đó thu về nhiều “quả ngọt”. Trước hết, lợi ích tài chính được cải thiện rõ. Với việc bán sản phẩm thủ công, chị Thân có thêm 8 - 9 triệu đồng/tháng, vén khéo cho gia đình nhỏ. Bên cạnh đó, nhờ nghề tay trái này, chị Thân còn tham gia các hội nhóm liên quan, kết nối với nhiều cửa hàng lưu niệm tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng, từ đó mở rộng thị trường.
Ngoài ra, làm một lúc nhiều việc còn giúp nhiều bạn cảm thấy tự tin và có động lực hơn trong cuộc sống. Mong muốn mở tiệm kinh doanh nước uống lẫn đồ ăn vặt tại quê nhà nên từ năm ngoái, Phạm Văn Cao (SN 2005, ở thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ) đã cùng bạn bè “khởi nghiệp” với tiệm bánh tráng nướng nho nhỏ, đồng thời làm pha chế tại một cửa hàng tại TP Quy Nhơn.
Cao cho biết, 1 năm qua, nhờ làm song song 2 việc mà cậu cũng như bạn bè thêm trưởng thành, biết quý trọng giá trị của đồng tiền, từ đó chi tiêu hợp lý hơn so với trước. “Vì vẫn là sinh viên nên tôi vừa học, vừa làm, tự chủ chi phí sinh hoạt thay vì xin bố mẹ. Do vậy, dù chưa thật sự cân bằng được giữa công việc với cuộc sống nhưng tôi vẫn nhận về nhiều lợi ích, như biết cách tìm nguồn hàng, nắm một số công thức pha chế đồ uống và cách phân công nhiệm vụ. Đây là những bài học giá trị mà tôi có thể áp dụng khi mở quán riêng sau này!” Cao hào hứng.
Quyết định làm cả 2 việc còn giúp người trẻ rèn các kỹ năng mềm, nhất là giao tiếp và quản lý thời gian. Với công việc quản lý 2 chi nhánh cà phê và kinh doanh riêng, Thư phải thường xuyên phối hợp với nhiều bộ phận khác nhau. Nhờ đó, chị học được cách giải quyết vấn đề và quen với áp lực công việc.
Thư chia sẻ: “Với đặc thù luôn muốn thử sức với cái mới, giới trẻ chúng tôi không ngại đối mặt với áp lực, làm việc nhiều hơn để tìm kiếm cơ hội mới cho bản thân. Tuy nhiên, khi đã chọn làm song song 2 việc, mỗi bạn trẻ cần lập kế hoạch cụ thể, duy trì kỷ luật, kiên trì, đầu tư vào việc học hỏi và phát triển bản thân nhiều hơn để nâng cao năng suất và chất lượng công việc, cuộc sống”.
DƯƠNG LINH