Khơi dậy tinh thần sáng tạo của nhà nông
Hội thi Sáng tạo nhà nông tỉnh Bình Định năm 2024 do Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở KH&CN tổ chức, thu hút 47 giải pháp tham gia, tăng 24 giải pháp so với năm 2023. Những giải pháp này vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Sáng tạo từ mô hình nuôi cua xanh
Mô hình “Cải tiến hệ thống xử lý tuần hoàn nước để nuôi cua xanh trong nhà” của anh Nguyễn Hưng Nguyên, 41 tuổi, ở thôn Kim Giao Nam, xã Hoài Hải (TX Hoài Nhơn) là giải pháp đạt giải nhất ở hội thi năm nay. Chia sẻ về lý do xây dựng mô hình, anh Nguyên cho biết: Gia đình tôi gắn bó với nghề nuôi cua từ năm 2000, chủ yếu là nuôi cua trong ao đất theo hình thức quảng canh. Tuy nhiên, phương pháp này có năng suất thấp, chất lượng cua thương phẩm không cao do nguồn nước ô nhiễm, gây dịch bệnh. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, tôi cải tiến phương pháp nuôi theo hướng an toàn sinh học, đồng thời áp dụng quy trình nuôi khoa học, từ khi thả giống đến khi thu hoạch.
Mô hình “Cải tiến hệ thống xử lý tuần hoàn nước để nuôi cua xanh trong nhà” của anh Nguyễn Hưng Nguyên. Ảnh: A.N
Anh Nguyên xây dựng một xưởng nuôi cua trong nhà rộng 180 m2, theo mô hình tuần hoàn nước. Hệ thống này hoạt động theo nguyên lý khép kín, bao gồm nhiều thiết bị như hộp nhựa, bể chứa, bể lọc, hệ thống lọc, trống lọc và đèn UV, giúp loại bỏ cặn bẩn, phèn, kim loại nặng, xử lý khí độc và điều chỉnh pH của nước. Sau khi nước được khử khuẩn bằng đèn UV, được tái sử dụng trong bể nuôi cua. Mô hình này giúp tiết kiệm nước, giảm thiểu ô nhiễm và ngăn ngừa dịch bệnh, giúp người nuôi kiểm soát tỷ lệ hao hụt, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Với mô hình trên, mỗi đợt anh Nguyên có thể nuôi khoảng 1.500 con cua xanh; sau 1 - 2 tháng, cua đạt trọng lượng 250 - 550 g/con. Sản phẩm của anh được tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn, vựa hải sản, thương lái và khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Dự kiến từ việc nuôi cua xanh, năm nay anh Nguyên lãi khoảng 200 triệu đồng. Mô hình này đã thu hút sự quan tâm của nhiều nông dân trong tỉnh, hiện đã có 4 hộ đến tham quan, muốn áp dụng mô hình.
Xử lý rác hữu cơ tiết kiệm chi phí
Một giải pháp khác cũng thu hút sự chú ý là sáng tạo của ông Nguyễn Công Toàn, 54 tuổi, ở thôn An Cửu, xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước), với việc cải tiến thùng ủ rác hữu cơ. Trước đây, loại thùng ủ rác hữu cơ được sử dụng ở địa phương có giá khá cao (1,6 triệu đồng/thùng 120 lít), thời gian phân hủy kéo dài từ 5 - 6 tháng, kèm theo mùi hôi và nước thải rỉ ra ngoài ở đáy thùng. Nhận thấy vấn đề này, ông Toàn đã cải tiến thùng ủ rác bằng cách thêm van nhựa để xả nước rỉ hữu cơ, giúp giữ vệ sinh và tránh mùi hôi. Bên cạnh đó, ông còn thay đổi nguyên lý hoạt động của thùng từ hiếu khí sang yếm khí, rút ngắn thời gian phân hủy chỉ còn 1 - 2 tháng.
Thùng ủ rác hữu cơ của ông Nguyễn Công Toàn. Ảnh: NVCC
Giải pháp này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và cung cấp phân bón hữu cơ cho nông nghiệp, mà giá chỉ có 300 nghìn đồng/thùng 120 lít, giúp người dân tiết kiệm đáng kể so với các sản phẩm trước đây. Đây là giải pháp nhận giải nhì tại hội thi, được đánh giá cao về tính thiết thực và hiệu quả trong việc xử lý rác thải sinh hoạt.
Cải tiến máy chẻ và uốn cọc mai cảnh
Nhận thấy công đoạn chẻ tre thành cọc mai phải làm thủ công, tốn nhiều thời gian và công sức, ông Bùi Văn Sanh, 62 tuổi, ở khu phố Nhơn Thuận, phường Nhơn Thành (TX An Nhơn), nghiên cứu cải tiến máy chẻ và chuốt cọc uốn mai cảnh.
Máy hoạt động theo dây chuyền: Cưa tre, chẻ tre thành cọc, chuốt cọc thành phẩm, rồi vận chuyển bằng xe nâng. Đặc biệt, máy còn giúp xử lý phế phẩm từ quá trình sản xuất bằng cách xay rác thành viên nén làm chất đốt, bảo vệ môi trường. Mô hình sản xuất này không chỉ giúp giảm chi phí lao động cho nông dân, mà còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương, góp phần phát triển KT-XH.
Máy chẻ và chuốt cọc tre do ông Bùi Văn Sanh nghiên cứu chế tạo đem lại nhiều tiện ích cho người trồng mai. Ảnh: AN NHIÊN
Máy sản xuất cọc mai giúp tiết kiệm công lao động, tăng năng suất và chất lượng cọc, phục vụ cho nhu cầu trồng mai vàng ở TX An Nhơn và các địa phương lân cận. Mỗi giờ, máy sản xuất khoảng 1.500 cọc (đường kính 12 - 15 cm, chiều dài từ 1,2 - 2,2 m).
Ông Đỗ Thiện Chế, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, cho biết, các giải pháp tham gia hội thi năm nay đều mang tính sáng tạo cao, xuất phát từ nhu cầu thực tế của người nông dân. Những sáng tạo này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí đầu vào và công lao động mà còn giúp phát triển kinh tế gia đình và địa phương bền vững.
AN NHIÊN