Tây Sơn sản xuất vụ Đông Xuân
Theo lịch thời vụ chung của tỉnh, từ ngày 10.12, nông dân huyện Tây Sơn bắt đầu xuống giống cây lúa vụ Đông Xuân 2024 - 2025 đối với chân ruộng 2 vụ/năm. Dù những ngày gần đây trời mưa to, nhưng bà con vẫn tất bật ra đồng cho kịp thời vụ.
Khi tôi đến, tiếng cười nói râm ran vang khắp cánh đồng thuộc khối Phú Xuân (thị trấn Phú Phong). Chủ máy đang xới đi xới lại nhiều vòng để đất ruộng nhuyễn, còn ông Nguyễn Thanh Bình cũng tranh thủ đắp lại bờ ruộng để chuẩn bị gieo sạ lúa trong vài ngày tới, khi thời tiết thuận lợi. Để chuẩn bị sản xuất 10 sào lúa, tháng 11 vừa qua, ông Bình đã thuê máy cày cày hai lần, bốn bận để ngâm đất. Theo ông Bình, việc sử dụng thuốc trừ cỏ, đặc biệt là thuốc cỏ cháy gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người nên ông chọn giải pháp cày ngâm để diệt trừ cỏ dại và sâu bệnh, đồng thời, biến cỏ mục trở thành nguồn phân bón hữu cơ rất tốt cho đất. Đây cũng là kỹ thuật thân thiện với môi trường, được chính quyền, ngành nông nghiệp phổ biến, động viên nông dân tích cực áp dụng.
Tại cánh đồng Cây Da, xã Tây Phú, không khí cũng khẩn trương không kém. Vụ này, ông Dương Tấn Hài (thôn Phú Thọ) sản xuất 6 sào lúa thuộc cánh đồng mẫu. 3 ngày nay, HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Tây Phú đã bố trí máy cày liên tục trên cánh đồng để nông dân kịp gieo sạ. “Năm nay trời mưa muộn, chuột phát sinh nhiều nên tôi đã tìm hiểu, dùng thuốc diệt chuột sinh học và các biện pháp thủ công để diệt chuột trước khi vào vụ. Xã cũng hỗ trợ thu mua đuôi chuột với giá 2.000 đồng/đuôi. Nhưng với tình hình thời tiết mấy ngày gần đây, không chỉ với vụ Đông Xuân mà nỗi lo thiếu nước tưới ở vụ Hè Thu cũng giảm hẳn”, ông Hài nói.
Sau khi cày vào sáng 10.12, ruộng của hộ ông Nguyễn Thanh Bình (thị trấn Phú Phong) sẽ xuống giống nếu thời tiết thuận lợi. Ảnh: ĐINH NGỌC
Vụ Đông Xuân 2024 - 2025, xã Tây Phú sản xuất 372 ha lúa, trong đó liên kết với Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Tây Sơn sản xuất mô hình cánh đồng 170 ha liên kết chuỗi đối với hai giống lúa BĐR999, TBR97. Các giống lúa này được bố trí sản xuất ở 3 thôn Phú Hiệp, Phú Thọ và Phú Mỹ, đảm bảo cùng 1 giống lúa, cùng trên 1 cánh đồng để thuận tiện trong quá trình xuống giống, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Phú, cho hay: Để bảo đảm vụ sản xuất Đông Xuân thắng lợi, xã chỉ đạo HTX chuẩn bị các loại giống, phân bón, vật tư nông nghiệp để cung ứng cho nông dân, hỗ trợ giá giống cho các hộ tham gia mô hình ở mức 50.000 đồng/sào (từ nguồn kinh phí hỗ trợ đất trồng lúa theo Nghị định 62), cùng với đó, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật về sản xuất cây lúa để bà con yên tâm bước vào vụ sản xuất.
Vụ này, huyện Tây Sơn có kế hoạch sản xuất hơn 5.197 ha lúa, với các giống chủ lực ĐV 108, ĐB6, Hà Phát 3, Đài thơm 8, VNR 20; giống lúa lai gồm Nhị ưu 838, HYT 100. Ngoài cây lúa, huyện sản xuất gần 26.000 ha các loại cây trồng cạn, trong đó chủ yếu là cây đậu phụng 1.883 ha, cây mì 719 ha, bắp 226 ha...; chân ruộng cao, thoát nước tốt gieo trồng từ tháng 11 đến cuối tháng 12.2024; chân ruộng thấp, gieo trồng từ tháng 1 đến đầu tháng 2.2025. Rau dưa các loại 715 ha, đậu các loại gần 39 ha, thực hiện rải vụ, xuống giống theo nhiều trà khác nhau, thời vụ gieo trồng có thể kéo dài từ tháng 11.2024 đến cuối tháng 2.2025 tùy vào loại rau dưa và điều kiện đất đai.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết, huyện đã yêu cầu các ngành liên quan, các địa phương tập trung kiểm tra, xây dựng kế hoạch sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2024 - 2025 phù hợp điều kiện nguồn nước, địa phương; linh hoạt điều chỉnh thời điểm gieo sạ phù hợp với thời tiết, điều kiện sản xuất, hạn chế thiệt hại do thiên tai; chuẩn bị tốt về máy móc, vật tư…, để gieo trồng tập trung, đồng loạt theo từng vùng, từng cánh đồng; phát động phong trào ra quân diệt chuột, tập trung vào thời điểm trước khi vào vụ sản xuất. Chú trọng việc chuyển giao và nhân rộng các tiến bộ KHKT, quy trình canh tác tiên tiến vào sản xuất, quyết tâm giành thắng lợi sản xuất vụ Đông Xuân 2024 - 2025.
ĐINH NGỌC