Chất vấn thẳng thắn, tâm huyết, giải trình rõ trách nhiệm
Ngày 12.12, Kỳ họp thứ 20 HÐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiếp tục diễn ra sôi nổi với phiên họp chung tại hội trường. các đại biểu đã chất vấn thẳng thắn, đầy tâm huyết nhiều vấn đề liên quan đến phát triển KT-XH; người có trách nhiệm cũng giải trình rõ, đưa ra giải pháp để phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2025.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng kết luận phiên chất vấn, trả lời chất vấn.
Làm rõ các vấn đề về đầu tư phát triển
Tham gia chất vấn lãnh đạo Sở KH&ĐT, đại biểu (ĐB) Đoàn Đức Tùng (đơn vị Quy Nhơn) đề nghị làm rõ vì sao trong năm 2024, trong số 21 chỉ tiêu thực hiện phát triển KT-XH của tỉnh, có 1 chỉ tiêu không đạt là tốc độ tăng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.
ĐB Đoàn Đức Tùng (đơn vị TP Quy Nhơn) chất vấn Giám đốc Sở KH&ĐT về nhiều dự án trên địa bàn TP Quy Nhơn đã được cấp phép, triển khai thực hiện nhiều năm nhưng đến nay chưa hoàn thành.
Giải trình về việc này, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Hoàng Nghi cho biết: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023 ở mức rất cao (tăng 14,9%) so với các năm trước (tăng ở mức 9 - 10%). Trên nền thực hiện của năm 2023, UBND tỉnh muốn phấn đấu trong năm 2024 đạt chỉ tiêu tăng 10,5% để tạo sự phát triển đầu tư của cả tỉnh. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của năm 2023 theo thống kê gần 52.000 tỷ đồng, năm 2024 là 56.300 tỷ đồng. Như vậy về mặt con số tuyệt đối của năm 2024 vẫn cao hơn năm 2023. “Tuy nhiên, tốc độ tăng năm 2024 chỉ đạt 9,1/10,5% theo kế hoạch đặt ra, bởi còn có một số nguyên nhân do vốn trực tiếp nước ngoài đầu tư vào tỉnh (FDI), vốn đầu tư khu vực nhà nước năm 2024 thấp hơn năm 2023...”, ông Nghi giải thích.
Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Hoàng Nghi trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu.
ĐB Đào Đức Tùng còn đặt câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở KH&ĐT: “Đề nghị làm rõ nguyên nhân nhiều dự án trên địa bàn TP Quy Nhơn đã được cấp phép, triển khai thực hiện nhiều năm nhưng đến nay chưa hoàn thành? Giải pháp, biện pháp khắc phục để tránh lãng phí nguồn lực xã hội và góp phần phát triển KT-XH tại địa phương?”.
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Hoàng Nghi, nhiều dự án chậm triển khai, nguyên nhân khách quan là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, việc thay đổi chính sách theo quy định mới của Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn về PCCC… Về nguyên nhân chủ quan, một số nhà đầu tư chưa quyết tâm, chưa tích cực, năng lực tài chính không đảm bảo.
Để khắc phục, thời gian qua UBND tỉnh chỉ đạo Sở KH&ĐT phối hợp với các sở, ban, ngành, trong đó có Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh rà soát, kiểm tra, đôn đốc, phân tích khó khăn của các dự án để phối hợp hỗ trợ, kiến nghị UBND tỉnh giải quyết; đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm nhà đầu tư có điều kiện nhưng không triển khai… Từ đó, có các dự án lớn trước đây chậm tiến độ, trong năm 2024 đã bắt đầu triển khai lại và nhà đầu tư có kế hoạch cụ thể cam kết các năm tới sẽ hoàn thành.
“Sở KH&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời đôn đốc, giám sát, yêu cầu nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Biện pháp cuối cùng, nếu không triển khai được thì chúng ta phải kiên quyết chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án theo đúng Luật Đầu tư”, ông Nghi nói.
Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu phải quan tâm nhiều hơn, cần động viên, chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư, chứ không thể đổ lỗi hết cho nhà đầu tư, nhất là đối với dự án đầu tư có quy mô lớn góp phần phát triển KT-XH của tỉnh.
Cần quan tâm hơn vắc xin tiêm phòng cho trẻ em
ĐB Nguyễn Văn Lê (đơn vị Phù Cát) và ĐB Nguyễn Thị Hạnh (đơn vị Tuy Phước) chất vất lãnh đạo Sở Y tế về chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) cho trẻ em.
Theo ĐB Lê, cử tri bày tỏ lo lắng việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ em còn chậm trễ, đặc biệt thời gian gần đây các tỉnh, thành trong nước phát sinh dịch sởi liên quan đến trẻ em. “Sở Y tế thời gian tới có giải pháp như thế nào bổ sung đầy đủ vắc xin tiêm phòng bệnh cho trẻ em ?”, ĐB Lê ý kiến.
Trong khi đó, ĐB Hạnh nêu vấn đề thời gian qua việc cung cấp các loại vắc xin tiêm phòng bệnh cho trẻ dưới 5 tuổi thường xuyên bị thiếu ở các trạm y tế trên địa bàn huyện, đề nghị Sở Y tế cho biết nguyên nhân, thời gian khắc phục.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng giải trình, các loại vắc xin trong chương trình TCMR trong cả nước đều do Bộ Y tế tổ chức mua sắm và cung cấp cho các địa phương để tổ chức tiêm chủng miễn phí cho các nhóm đối tượng. Khi Bộ Y tế không mua được vắc xin thì việc cấp vắc xin bị gián đoạn, dẫn đến tiêm không đúng lịch.
Theo ông Hùng, dù có thời điểm thiếu nhiều loại vắc xin TCMR so với nhu cầu, nhưng tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi từ năm 2022 - 2024 trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì trên 90%, đạt quy định của Bộ Y tế và đảm bảo miễn dịch cộng đồng. Trên địa bàn tỉnh từ năm 2022 - 2024 không xảy ra các dịch bệnh liên quan đến chương trình TCMR.
“Hiện nay việc cung cấp vắc xin của Bộ Y tế đã tốt hơn nên thời gian tới ngành Y tế hoàn toàn có thể triển khai tiêm đúng, tiêm đủ theo lịch”, ông Hùng cho biết.
Qua chất vấn, giải trình, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng, đề nghị UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị Trung ương, Bộ Y tế quan tâm hơn đến việc cấp vắc xin TCMR. Trong kỳ họp Quốc hội, ĐBQH tỉnh cần chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế để làm rõ và giải quyết việc này, không để người dân bức xúc.
Tăng tốc, bứt phá để bước vào kỷ nguyên vươn mình
Tại phiên chất vấn đã có 6 lãnh đạo các sở, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, 2 Phó chủ tịch UBND tỉnh tham gia trả lời các câu hỏi mà đại biểu và cử tri nêu. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu làm rõ thêm những kết quả đạt được trong phát triển KT-XH tỉnh năm 2024, các mục tiêu, giải pháp trọng tâm trong năm 2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn giải trình, làm rõ thêm những kết quả đạt được trong phát triển KT-XH tỉnh năm 2024, các mục tiêu, giải pháp trọng tâm trong năm 2025.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, năm 2024, sản xuất công nghiệp tăng trưởng tốt, các địa phương quyết tâm triển khai các dự án sản xuất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài có nhiều tín hiệu tích cực. Một thành công nữa là công tác đảm bảo an sinh xã hội được thực hiện tốt, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh thấp hơn bình quân chung của cả nước. Đối với thu ngân sách, tổng thu năm 2024 của tỉnh đạt khoảng 15.615 tỷ đồng, vượt 7,8% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 23,2% so với cùng kỳ, thể hiện “sức khỏe” nền kinh tế của tỉnh ổn định, trong bối cảnh tỉnh chưa có dự án quy mô lớn, dự án động lực dẫn dắt.
Năm 2025 được xác định là năm “tăng tốc”, “bứt phá”, tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo dư địa, động lực cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Theo đó, UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh và huy động tổng hợp các nguồn lực cho đầu tư phát triển, với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) từ 7,6 - 8,5%, phấn đấu đạt trên 8,5%.
“Đây là mục tiêu mà tỉnh phải quyết tâm thực hiện đạt và vượt; bởi trong năm 2025, Trung ương đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%. UBND tỉnh sẽ phân giao chỉ tiêu cho các địa phương ở mức cao”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh cũng thông tin những công trình, dự án lớn, định hướng lớn đang được gấp rút triển khai để tạo dư địa tăng trưởng cho các năm tiếp theo. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đề nghị các sở, ngành, chính quyền địa phương chủ động phối hợp, quyết tâm, đồng lòng trong quá trình triển khai các dự án, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận ủng hộ, tất cả vì sự phát triển đột phá của tỉnh trong giai đoạn mới…
Kết luận phiên chất vấn, trả lời chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: “Tôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, cầu thị của lãnh đạo các sở, ngành và người đứng đầu UBND tỉnh trong việc tiếp thu, giải trình các ý kiến cụ thể, đúng trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của từng ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Từ đó, có các cam kết khắc phục và giải pháp để thực hiện đạt kết quả tốt nhất chức trách, nhiệm vụ được giao”.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng tin tưởng, trên cơ sở những nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm trong phát triển KT-XH năm 2025 mà lãnh đạo UBND tỉnh đã nêu, tỉnh Bình Định sẵn sàng tư thế, đủ sức cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam với tốc độ tăng trưởng ở mức cao.
Khắc phục việc thi công cao tốc Bắc - Nam ảnh hưởng đến người dân
ĐB Lê Thanh Tùng (đơn vị An Nhơn) nêu thực trạng: Triển khai thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh, đơn vị chủ đầu tư dự án khiến hạ tầng giao thông dân sinh hư hỏng nhưng không thực hiện hoàn trả nguyên trạng như trước đây. Đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư khắc phục.
Trả lời ý kiến này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết: UBND tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra để báo cáo Bộ GTVT xem xét chỉ đạo các chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án 2 và 85 (Bộ GTVT) sớm yêu cầu các đơn vị thi công khẩn trương sửa chữa, khắc phục hư hỏng trên các tuyến đường địa phương do xe phục vụ công trình xây dựng dự án cao tốc gây ra, để đảm bảo ATGT và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh, Bộ GTVT đã yêu cầu các Ban quản lý dự án 2 và 85 khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, khắc phục hư hỏng trên đường dân sinh do quá trình vận chuyển vật liệu thi công dự án đường cao tốc; xử lý các nội dung kiến nghị của địa phương theo thẩm quyền, đảm bảo phù hợp thực tế và yêu cầu chính đáng của nhân dân.
H.THU - N.HÂN - H.PHÚC