“Mong được đóng góp nhiều hơn cho quê hương”
Tâm sự trên của TS. Bùi Quốc Bảo (SN 1981), hiện là giảng viên ngành Xây dựng, Trường Polytech Annecy-Chambéry thuộc Đại học Savoie, Pháp, trong cuộc trò chuyện với P.V Báo Bình Định.
TS. Bùi Quốc Bảo sinh năm 1981 ở Quy Nhơn. Học xong phổ thông ở Quy Nhơn, năm 1999, anh thi đậu vào Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh (khoa Xây dựng) và Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Anh chọn học ngành Xây dựng theo chương trình liên kết đào tạo giữa Pháp và Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp năm 2004, anh được nhận học bổng sang Pháp học thạc sĩ rồi tiến sĩ. Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 2008, khi mới 27 tuổi, anh được một công ty tài trợ để làm nghiên cứu sau tiến sĩ. Trong thời gian này, anh tham gia trợ giảng và đến năm 2011 thì thi đậu trong Kỳ thi tuyển quốc gia của Pháp để thành giảng viên và nghiên cứu viên Trường Polytech Annecy-Chambéry.
Quy Nhơn trong hồi nhớ
● Hồi đó, do đâu anh quyết định theo học ngành Xây dựng thay vì học Kinh tế?
- Nói thật là lúc đó ba má tôi muốn tôi theo học Kinh tế. Nhưng tôi, vốn từ nhỏ đã say mê với nhà cửa và thiết kế nên quyết định chọn Xây dựng. Tôi nghĩ sự lựa chọn này giúp tôi nhiều, vì trong học hành, công việc và cuộc sống, nhiều lúc tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng nhờ đam mê với lĩnh vực mà mình chọn, tôi có thể vượt qua được những thách thức ấy.
● Trong ký ức của anh, Quy Nhơn và thời đi học, điều gì làm anh thật nhớ khi ở nơi xa?
- Quả tình, tôi không phải là người hay sống trong quá khứ và những kỷ niệm. Nhưng nếu nhắc về kỷ niệm cũ, về thành phố nơi tôi từng sinh ra và lớn lên, thì tôi nhớ nhất là biển Quy Nhơn. Và nhớ cái không khí, cái môi trường mà biển mang đến cho thành phố này. Ngày học ở Sài Gòn, giữa bộn bề, chật chội, đông đúc của Sài Gòn, tôi rất mong về với Quy Nhơn và hít thở không khí có vị mặn mòi đặc trưng của biển. Bây giờ ở Pháp vẫn vậy, biển Quy Nhơn cứ dạt dào trong hồi nhớ của tôi. Ba má tôi ở Quy Nhơn, nhiều bạn thân của tôi thuở đi học đang sống tại Quy Nhơn. Tôi cố gắng mỗi năm về quê một lần. Bởi vậy, Quy Nhơn nằm một góc, rất sâu và rất đậm, trong nỗi nhớ của tôi.
Kinh nghiệm du học
● Quay lại với chuyện học hành một chút, hồi đó, anh tự đăng đơn tìm và xin được học bổng. Vậy kinh nghiệm hay bí quyết nào anh có thể chia sẻ với những bạn trẻ đang trong giấc mơ du học hiện nay?
- Kinh nghiệm của tôi, đầu tiên là tìm nguồn cấp học bổng. Với sự phổ cập của internet như hiện nay, nguồn thông tin về học bổng rất phong phú, chỉ cần bạn lên mạng và chịu khó tìm tòi, tra hỏi.
Một khi đã “ngắm” được nguồn học bổng, hãy chuẩn bị hồ sơ thật kỹ. Thường thì tùy vào từng học bổng khác nhau sẽ cần những loại giấy tờ khác nhau. Tuy nhiên, một số giấy tờ rất quan trọng, có tính quyết định đến kết quả tuyển chọn. Ngoài bằng cấp và kết quả học tập, CV (curriculum vitae, tạm dịch là Sơ yếu lý lịch) và Thư trình bày động cơ của việc xin học bổng (Motivation letter) cần được chăm chút đặc biệt. Tôi nhớ có lần, một giảng viên đại học ở Việt Nam liên hệ với tôi để nhờ giới thiệu đề tài tiến sĩ. Tôi nói gửi CV cho tôi rồi tôi sẽ theo chuyên ngành của anh ấy để giới thiệu đến đồng nghiệp phù hợp. Sau đó, anh ấy có gửi CV cho tôi, nhưng thực ra đây chỉ là bản Sơ yếu lý lịch viết phong cách Việt Nam được viết bằng tiếng Anh. Đương nhiên, CV này thể hiện rõ khả năng hội nhập quốc tế rất thấp của ứng viên và
không giúp người đọc nắm được khả năng, chuyên môn của ứng viên. Bởi vậy, muốn xin học bổng, hãy tìm hiểu thêm các mẫu, cách viết CV, Motivation letter vốn rất phong phú trên mạng hoặc hỏi thầy cô, những người đi trước.
Và hẳn nhiên, điều ai cũng biết là phải trau dồi ngoại ngữ nếu bạn muốn du học.
● Với cá nhân anh, khi sang Pháp học, anh gặp khó khăn gì và làm sao để vượt qua được, nhất là về ngôn ngữ, sự khác biệt văn hóa?
- Như đã nói ở trên, tôi may mắn được học trong chương trình hợp tác Pháp - Việt nên tôi được đào tạo bài bản tiếng Pháp ở đại học. Tôi còn may mắn hơn các bạn cùng khóa là đứng đầu trong một cuộc thi tiếng Pháp vào năm thứ ba đại học nên được sang Pháp thực tập và trao đổi văn hóa trong một tháng rưỡi. Vậy nên, tiếng Pháp của tôi lúc sang Pháp tạm gọi là không đến nỗi tệ. Tuy nhiên, không phải tôi không gặp khó khăn về tiếng. Thời gian đầu học thạc sĩ, thầy cô nói ào ào và không phải cái gì tôi cũng hiểu hết được.
Kinh nghiệm của tôi, trước hết, xem truyền hình bằng tiếng Pháp. Điều này giúp tôi hiểu hơn về văn hóa Pháp và học thêm nhiều từ vựng không có ở trường. Thứ hai, tôi nói tiếng Pháp nhiều nhất có thể, với bạn bè Pháp và quốc tế và cả với chính các bạn Việt Nam cùng học tại trường. Tôi muốn nhấn mạnh điều này vì du học sinh Việt Nam có điểm khá dở là hay tụ tập với nhau để nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ. Điều này khó cho việc trau dồi ngoại ngữ.
● Qua những trải nghiệm từ hệ thống giáo dục ở Việt Nam và Pháp, theo anh, điều gì Việt Nam có thể học được từ nền giáo dục đại học phương Tây?
- Điều tôi rất trân trọng từ học sinh, sinh viên phương Tây nói chung và Pháp nói riêng là khả năng tư duy, sáng tạo cũng như khả năng nhìn bao quát vấn đề. Nói đơn giản, khi cho một đề toán, học sinh, sinh viên Việt Nam giải không hề thua kém ai, thậm chí còn hơn. Thế nhưng, yêu cầu đề xuất một đề toán, sinh viên Việt Nam lúng túng hơn. Điều này theo tôi xuất phát từ khả năng tư duy, cách đặt vấn đề - điều mà giáo dục Việt Nam chưa thật sự chú trọng. Và rồi khi sinh viên ra trường, bước vào thực tế, nếu không có khả năng tự đặt vấn đề bạn có thể sẽ là nhân viên tốt nhưng khó thành lãnh đạo giỏi.
Quy Nhơn luôn trong hồi nhớ.
- Trong ảnh: TS. Bùi Quốc Bảo tại Ghềnh Ráng trong một lần về thăm quê.
Mong được đóng góp nhiều hơn cho quê hương
● Hiện một số nhà khoa học Việt kiều vẫn trở về dạy ngắn hạn theo lời mời cho một số trường đại học như một cách đóng góp cho quê hương. Theo anh, xu hướng này có ý nghĩa thế nào với giáo dục đại học ở Việt Nam?
- Tôi nghĩ, Việt Nam nên chú trọng hơn nữa vấn đề này. Đội ngũ trí thức Việt Nam tại nước ngoài có một số lượng đáng kể, nếu tận dụng được nguồn nhân lực này, tôi nghĩ sẽ có tác dụng tích cực đáng kể cho nền giáo dục và khoa học - công nghệ của Việt Nam. Điều này thì Trung Quốc đã và đang làm rất tốt. Họ không những tìm cách phát triển các “cầu nối” với trí thức Hoa kiều mà còn tìm cách thu hút những nhà khoa học xuất sắc đến giảng dạy, nghiên cứu tại Trung Quốc. Thỉnh thoảng, họ vẫn tổ chức những chuyến “săn đầu người” vòng quanh thế giới nữa. Cách đây vài năm, tôi có nhận được thư mời của họ để tham gia phỏng vấn ở Paris nhưng tôi không tham gia. Sau đó, tôi biết họ còn tổ chức các kỳ phỏng vấn như thế ở nhiều nước khác nữa.
● Vậy nếu được mời về tham gia giảng dạy không thường xuyên ở Việt Nam, như ở Quy Nhơn chẳng hạn, anh có nhận lời không?
- Nếu có lời mời, tôi rất sẵn lòng và hoàn toàn tự nguyện. Thật sự thì tự thâm tâm, tôi vẫn hằng mong được đóng góp nhiều hơn cho quê hương. Hiện tôi vẫn công tác tại Pháp vì tôi thấy còn học hỏi được nhiều điều ở đây và sẽ có điều kiện phát huy được nhiều sở trường của mình. Qua đó, cách này hay cách khác, tôi sẽ gián tiếp đóng góp được một phần nhỏ nào đó cho quê hương. Chẳng hạn hiện nay, một nhà xuất bản uy tín ở Việt Nam mời tôi viết một cuốn sách chuyên ngành. Tôi đang cố gắng thu xếp công việc để thực hiện mục tiêu này. Thực sự, tôi chưa bao giờ khép lại khả năng một ngày nào đó trở về công tác tại Việt Nam nếu tôi thấy điều đó là tốt hơn cả cho bản thân và nơi mình sinh ra.
● Cảm ơn anh về cuộc phỏng vấn.
Lê Viết Thọ (Thực hiện)