Chống “bệnh thành tích” trong thi đua, khen thưởng
Cùng với cả nước, các cấp, các ngành tỉnh ta đang tổ chức quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Qua đó Bộ Chính trị chỉ thị các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất.
Điều đó xuất phát từ thực tế thời gian qua tuy có nhiều tiến bộ nhưng công tác thi đua, khen thưởng còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, chậm khắc phục, nhất là “bệnh thành tích”, biến việc thi đua trở thành hình thức. Đáng kể là tình trạng dễ dãi trong việc đánh giá, xét duyệt, dẫn đến “lạm phát” khen thưởng. Có nhiều đơn vị hoạt động cũng bình thường, không có gì nổi trội vậy mà cuối năm đề nghị khen thưởng tập thể, cá nhân tùm lum, thậm chí có đơn vị đề nghị đến 100% cán bộ công chức là “Chiến sĩ thi đua”, “Lao động tiên tiến”. Kiểu đánh giá “cá mè một lứa” khiến cho người làm tốt thật sự, xứng đáng được khen thưởng cũng chẳng thấy vinh dự gì. Việc khen thưởng vì vậy đôi khi trở nên vô nghĩa. Tệ hơn, có đơn vị yếu kém, vi phạm dân chủ, cửa quyền, tham nhũng...nhưng vẫn được đề nghị khen thưởng để lấy thành tích; danh nghĩa là vì tập thể, nhưng thực chất chính là vì lợi ích cá nhân.
Taị Hội nghị trực tuyến toàn quốc về việc triển khai Chỉ thị số 34/CT-TW tổ chức ngày 8.7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhìn nhận: Việc suy tôn, phong tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng có biểu hiện tràn lan, nhiều trường hợp được khen thưởng chưa phải là tấm gương tiêu biểu, khen thưởng cho người lao động trực tiếp sản xuất, nông dân, công nhân còn ít.
Nguyên nhân một phần là do tư tưởng cả nể, “dễ người dễ ta” hoặc nhận thức đơn giản, khen thưởng nhiều để “cả nhà đều vui”. Mặt khác, là do nhận thức chưa đúng của một số người cho rằng tiền thưởng của Nhà nước như của... chùa; “tranh thủ” càng nhiều càng tốt để cán bộ, nhân viên khỏi bị “thiệt thòi”.
Chính vì vậy, để thi đua thực sự là động lực, là sức mạnh cho sự phát triển của xã hội, trước hết chúng ta cần nhận thức và quán triệt sâu sắc hơn mục đích và ý nghĩa của các phong trào thi đua yêu nước cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Phải đổi mới nội dung, hình thức, đề cao tính thiết thực, hiệu quả của các phong trào thi đua; chỉ phát động phong trào thi đua khi đã xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, biện pháp, đối tượng tham gia và tiêu chí đánh giá thi đua.
Thi đua theo đúng nghĩa phải thực sự là động lực để phát triển đất nước. Tất cả các phong trào thi đua chỉ có thể phát huy được sức mạnh của mình nếu xuất phát từ thực tiễn và kiểm nghiệm bằng thực tiễn. Thi đua phải nhằm mục đích đưa đất nước nhanh chóng thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu, đạt mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Ngọc Minh
Nói thêm về bệnh thành tích như bài " Khổ vì bệnh chỉ tiêu, thành tích" trên trang 3 báo SGGP ngày 16/12/2015 vì cảm thấy quá bức xúc nên tôi phải chia sẻ để các bạn hiểu thêm đây là căn bệnh trầm kha cần phải thay đổi nhanh trong tư duy đánh giá cán bộ công chức hiện nay của nhiều ngành. Theo quy định để được xét khen thưởng cấp cao thì cán bộ công chức phải có sáng kiến. Do vậy hầu hết phải ngồi rặn cho ra 1 cái gọi là "sáng kiến". Đồng tình với quan điểm của bài viết nêu trên, có những vị trí công tác thuần túy kỹ thuật: như nhập liệu, văn thư, tài vụ, kế tóan, bảo vệ, lái xe,......đây là những bộ phận giúp việc hầu như không có gì mới để mà có sáng kiến. Vì thành tích mà họ phải ráng rặn ra các sáng kiến. Tất cả sáng kiến này hầu như không được phổ biến công khai để khai thác về mặt thực chất, và không có chế độ rà sóat kết quả đạt được (chỉ thông tin tên sáng kiến mà thôi). 1 số tên sáng kiến nghe tên rất kêu nhưng thực chất đây là những công việc công chức phải làm, không tránh khỏi những người tập trung tâm huyết vào công việc được phân công hòan thành xuất sắc nhiệm vụ mà không có sáng kiến thì xem như không đạt danh hiệu cao. Như vậy bộ phận lao công tạp vụ cũng có thể viết sáng kiến cải tiến kỹ thuật dọn vệ sinh cơ quan ,..hài hước thật. Nếu là cán bộ ai cũng mong mỏi hòan thành tốt nhiệm vụ và được khen thưởng. Theo tôi ở giai đọan này vận động cán bộ công chức hòan thành tốt những chức năng nhiệm vụ đuợc phân công là đã là quý lắm rồi. Kiến nghị: - Phát động phong trào thi đua hàng năm có nội dung khuyến khích sáng tiến cải tiến kỹ thuật trong công tác, có tổng kết khen thưởng, cá nhân có sáng kiến được lưu ý trong quy họach, đào tạo, bổ nhiệm - Hội đồng khoa học xét sáng kiến sẽ nhóm họp định kỳ hàng quý để xét các sáng kiến phát sinh trong quý (không nhất thiết phải cuối năm mới xét sáng kiến). Việc xét duyệt sáng kiến không ảnh hưởng đến xét duyệt thi đua năm - Các sáng kiến đạt yêu cầu thì phải được công khai rộng rãi để áp dụng cho toàn ngành, thậm chí ngòai ngành . Các sáng kiến không đạt yêu cầu vẫn được xem là 1 cố gắng của tập thể hay cá nhân đó ( không công bố sáng kiến này không đạt yêu cầu) - Nội dung sáng kiến không bó hẹp trong phạm vi công tác của bản thân mà là tất cả các lĩnh vực mà cán bộ công chức quan tâm, theo họ cần phải cải tiến khâu này, khâu kia,.. để cải thiện chất lượng công tác hơn. Có thể chỉ là ý tưởng , giải pháp,….Vẫn có thể cấp giấy khen để động viên tinh thần họ,.. và nếu hội đồng xét thấy có thể tổ chức áp dụng trong thực tiễn các giải pháp, ý tưởng đó để kiểm nghiệm. Nếu thành công thì tiếp tục tổ chức vinh danh tác giả