Giếng Truông là giếng Truông bồng…
Hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt. Theo sự phát triển, nhiều giếng làng xưa dần biến mất. Song tại khu phố Tân Thành 1, phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn) vẫn còn một giếng cổ tên là giếng Truông được người dân bảo tồn, giữ gìn và sử dụng sinh hoạt, dù nhà nào cũng có nước máy dẫn đến tận nhà.
Giếng làng là biểu trưng cho sự sung mãn, sức sống của làng xã, mang ý nghĩa tâm linh trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, đó là long mạch của làng được người dân tôn thờ, gìn giữ. Giếng trong chữ Hán viết là chữ “tĩnh”, được xếp trong Ngũ tự gia thần (tức là 5 vị thần được thờ trong gia đình) theo tín ngưỡng dân gian, gồm: Táo thần (thần bếp), Hộ thần (thần nhà), Môn thần (thần cửa), Tĩnh thần (thần giếng), Trung lưu thần (thần gian nhà giữa). Có thể tin rằng giếng Truông còn lại đến nay nhờ người dân hiểu rõ vai trò, vị trí của giếng theo nghĩa này.
Mạch nguồn văn hóa của làng
Tự xa xưa, giếng làng không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt mà còn là nơi kết nối tình làng nghĩa xóm, trở thành không gian sinh hoạt của cư dân bản địa.
Ngày xưa, gần như làng nào ở Bình Định cũng có giếng làng. Từ chức năng chính cung cấp nguồn nước cho đời sống cộng đồng, giếng làng còn đi vào tục ngữ, ca dao, câu đố với những ngôn từ mộc mạc, gần gũi. Hình dạng giếng làng được xây dựng khác nhau, có thể là dạng tròn, hình chữ nhật, hình vuông…, nhưng giếng tròn vẫn là chủ yếu. Giếng có thể to nhỏ, sâu cạn khác nhau và vật liệu làm giếng thường từ đá ong, gạch chỉ hoặc đá xanh.
Tại một số nơi ở Bình Định, hiện vẫn còn duy trì lễ thanh minh thường được tổ chức vào mùa xuân, với ý nghĩa cầu mong quốc thái dân an, đời sống người dân ấm no, hạnh phúc. Trong lễ thanh minh, ngoài các nghi lễ cúng thần Thành hoàng bổn cảnh, các bậc tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ, còn có lễ cúng thần núi, thần giếng… thể hiện tín ngưỡng thờ tĩnh thần trong văn hóa Việt, như lễ thanh minh ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch hằng năm đều có lễ khai tĩnh (cúng thần giếng).
Trải qua thăng trầm, cùng với sự phát triển của xã hội, giếng làng tại nhiều nơi ở Bình Định đã bị lấp và thay vào đó người dân chuyển sang dùng nước máy trong sinh hoạt. Tuy vậy, một số nơi người dân vẫn còn gìn giữ giếng làng, dù giá trị sử dụng hiện nay không còn thịnh như trước. Điển hình như giếng Truông ở khu phố Tân Thành 1, phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn) - một giếng làng nổi tiếng, tồn tại, gắn bó lâu đời với người dân địa phương, lưu truyền trong ca dao Bình Định: “Giếng Truông là giếng Truông bồng/Nên vợ nên chồng cũng tại giếng Truông”, “Nước giếng Truông trong leo lẻo như gương/Sao anh không múc để nhường cho ai”…
Giếng Truông được người dân địa phương gìn giữ. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Gìn giữ giếng Truông
Theo người dân địa phương, giếng Truông đã có từ lâu trong vườn nhà ông Bành Quang Hùng, hậu duệ đời thứ 10 của cụ Bành Đình Thanh - là một người gốc Hoa đến lập nghiệp ở vùng Tam Quan (nay là khu phố Tân Thành 1, phường Tam Quan Bắc), tính đến nay đã gần 300 năm. Chính cụ Bành Đình Thanh là người đã gìn giữ, tôn tạo cái giếng này.
Giếng Truông được đào theo hình tròn, đường kính khoảng 1,5 m, mực nước cao nhất tính từ thành giếng hơn 3 m. Giá trị của giếng Truông không chỉ đơn thuần có lịch sử tồn tại lâu đời mà nguồn nước mạch chảy ra quanh năm không bao giờ khô cạn, nước giếng rất ngọt, cho dù các giếng khác trong vùng đều bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, khô cạn vào mùa nắng hạn.
Ông Trần Anh Nghĩa (51 tuổi) ở khu phố Tân Thành 2, phường Tam Quan Bắc, cho biết: “Từ nhỏ, thế hệ chúng tôi gắn bó với giếng Truông. Trước kia nước giếng Truông không chỉ cung cấp cho người dân phường Tam Quan Bắc mà còn cho người dân phường Tam Quan. Tại giếng lúc nào cũng đông vui cảnh người dân đi lấy nước; bây giờ nhà nào cũng có nước máy, nhưng vẫn có người thường đến lấy nước về uống vì độ ngọt thanh của nước giếng này”.
Trò chuyện với tôi, cụ Nguyễn Thị Hiên (75 tuổi), nhà ở gần giếng Truông, tâm tình: “Ngày xưa giếng Truông không chỉ là nơi lấy nước sinh hoạt của dân làng mà cũng tại nơi đây biết bao nhiêu đôi lứa đã nên nghĩa vợ chồng từ những buổi đi lấy nước. Bởi vậy giếng Truông gắn bó với đời sống cư dân bản địa như một biểu tượng văn hóa, được người dân chung tay gìn giữ. Nước giếng Truông rất ngọt, dùng nấu nước pha trà uống rất ngon, nên dù có nước máy, nhiều người vẫn ưa dùng nước giếng Truông”.
Hơn 10 năm làm nghề chở nước thuê, chị Nguyễn Thị Trầm, ở khu phố 9, phường Tam Quan, chia sẻ: “Hễ có ai gọi thuê chở nước giếng Truông là tôi đi ngay. Mỗi ngày tôi dùng xe đạp đến giếng Truông chở nước, mỗi chuyến tôi chở 3 can 20 lít với tiền công 15.000 đồng. Làm túc tắc mỗi ngày chở vài chuyến cũng có thu nhập trang trải trong gia đình”.
Bảo tồn giếng Truông không đơn thuần chỉ là giữ gìn cơ sở vật chất của làng, là hoài niệm, hoài cổ đơn thuần mà chính là truyền lưu câu chuyện người dân có ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa, giữ gìn ký ức ấm áp tiền nhân để lại. Chính với ý nghĩa đó, TX Hoài Nhơn đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh lập hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với giếng Truông.
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Năm 2020, UBND tỉnh cũng thống nhất lấy tên giếng Truông để đặt tên cho con đường nằm cạnh giếng là đường Giếng Truông. Chúng tôi đã phối hợp với TX Hoài Nhơn lập hồ sơ khoa học Di tích Giếng Truông và đã trình UBND tỉnh xem xét để xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Sau khi được xếp hạng, TX Hoài Nhơn sẽ có cơ sở pháp lý để quy hoạch đầu tư tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị giếng Truông”.
***
Giếng làng tượng trưng cho sức sống của làng quê, in dấu trong biểu tượng “cây đa, giếng nước, sân đình”. Nhưng theo tốc độ phát triển xã hội hiện đại, những giếng làng đã dần chìm vào quên lãng, cả về góc độ tinh thần lẫn vật chất. Việc gìn giữ giếng làng như cách mà TX Hoài Nhơn đang làm với giếng Truông cũng là để lưu giữ nét đẹp truyền thống, thể hiện tình yêu quê hương, nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau luôn nhớ về cội nguồn văn hóa.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN