Triển khai mô hình chợ an toàn thực phẩm: Giúp quản lý tốt công tác ATTP tại chợ
Hiện nay, các đơn vị chức năng của Sở Công Thương đang nỗ lực triển khai thực hiện Dự án “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP)”. Đây là mô hình chợ mới mang tính chất văn minh, hiện đại.
Mô hình chợ mới
Bà Trần Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Dự án “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP” vừa được Bộ Công Thương phê duyệt vào đầu tháng 7.2014. Dự án gồm có các phần: Đánh giá khái quát thực trạng ATTP tại các chợ trên địa bàn tỉnh; đề ra mục tiêu, phương án và tổ chức thực hiện xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP; đề xuất giải pháp nhằm hỗ trợ thực hiện dự án.
Chợ được chọn để xây dựng mô hình chợ thí điểm ATTP phải đảm bảo các yêu cầu, như: nằm trong quy hoạch chợ của địa phương và đang hoạt động có hiệu quả (trong đó ưu tiên chợ hạng I, hạng II); có khu kinh doanh hàng thực phẩm riêng biệt; chủ thể kinh doanh hàng thực phẩm cố định phải có đăng ký kinh doanh; xác định được nguồn gốc các mặt hàng thực phẩm chủ yếu đang mua bán trong chợ; có tổ chức quản lý chợ được cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thành lập; chợ có nội quy được cấp thẩm quyền quy định.
Dự án xác định rõ 3 tiêu chí của mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP, gồm: Tiêu chí về thực phẩm kinh doanh tại chợ; về người trực tiếp kinh doanh tại chợ; về cơ sở vật chất, kỹ thuật. Đối với thực phẩm kinh doanh tại chợ, yêu cầu phải có nguồn gốc rõ ràng, không bày bán thực phẩm giả, thực phẩm đã quá hạn sử dụng, chất lượng không đảm bảo; các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm phải có sự kiểm soát và chứng nhận ATTP của cơ quan thú y; hàng thực phẩm chế biến được bảo quản trong tủ kính hoặc che đậy, bao gói hợp vệ sinh; phải có ngày sản xuất và hạn sử dụng, tên cơ sở sản xuất được ghi đầy đủ trên bao, gói; không sử dụng và bày bán các chất phụ gia, phẩm màu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế; không sử dụng chất bảo quản thực phẩm và chất tẩy rửa không được phép sử dụng hoặc sử dụng quá mức cho phép.
Về cơ sở vật chất, kỹ thuật, tiêu chuẩn đề ra đối với chợ là: Khu vực chế biến, kinh doanh thực phẩm được chia theo nhóm hàng riêng biệt, để ngăn ngừa ô nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến; có khu xử lý chất thải trong chợ bảo đảm theo quy định; hệ thống cống rãnh phải kín, thoát nước tốt, không gây ô nhiễm các vùng xung quanh; dụng cụ đựng chứa rác thải phải có nắp đậy và được thu gom xử lý hàng ngày. Đồng thời, chợ phải có khu giết mổ gia súc, gia cầm riêng, cách biệt khu bày bán thực phẩm; có nhà vệ sinh, chậu rửa tay và thường xuyên giữ vệ sinh sạch sẽ; có đủ nước sạch sử dụng trong chợ.
Ngoài ra, dự án cũng quy định những yêu cầu cụ thể đối với thương nhân kinh doanh tại chợ; trong đó có thương nhân kinh doanh thực phẩm tươi sống, doanh nhân kinh doanh thực phẩm chín và dịch vụ ăn uống tại chợ.
Nỗ lực triển khai
Theo bà Trần Ánh Tuyết, để triển khai có hiệu quả và bảo đảm tiến độ dự án, Sở Công Thương đã xây dựng các nhóm giải pháp, như: Quy hoạch khu vực nuôi, trồng và sản xuất các sản phẩm thực phẩm bảo đảm vệ sinh; phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với các chủ thể tham gia mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về công tác vệ sinh ATTP tại các chợ; bồi dưỡng, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các chủ thể tham gia mô hình thí điểm; xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về vệ sinh ATTP… Sở Công Thương đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo và xác định rõ trách nhiệm của các sở, ngành liên quan (như KH-ĐT, NN-PTNT, Y tế, Tài chính...); trách nhiệm của UBND huyện, thị xã, thành phố nơi có chợ được chọn xây dựng mô hình; trách nhiệm của Ban quản lý chợ, doanh nghiệp và từng thương nhân.
Riêng đối với Sở Công Thương, thời gian qua, Sở đã triển khai thực hiện một số công tác, như điều tra, khảo sát thực tế, nghiên cứu lựa chọn chợ đưa vào mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP; xây dựng đề cương dự án.
Theo đánh giá chung, chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm có vai trò quan trọng giúp công tác quản lý an toàn thực phẩm tại chợ tốt hơn; nâng cao ý thức của nhà quản lý, hộ kinh doanh cũng như người tiêu dùng về tầm quan trọng của thực phẩm an toàn đối với cuộc sống; tạo điều kiện phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống chợ đối với khâu lưu thông hàng hóa thực phẩm; giúp cho cuộc sống của người dân được đảm bảo và nâng cao hơn, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động. Mô hình này hướng đến mục tiêu bảo đảm an toàn và quyền lợi cho người tiêu dùng, từng bước hình thành thói quen sử dụng thực phẩm an toàn, nói “không” với những sản phẩm không hợp vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.
Bà Trần Ánh Tuyết cho biết: Trước mắt, Sở Công Thương sẽ chọn chợ Đầm - Quy Nhơn để thực hiện mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP. Hy vọng rằng, với tính chất văn minh, hiện đại, mô hình chợ mới này sẽ sớm hoàn thiện, phát huy hiệu quả và từng bước được nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
VIẾT HIỀN