Xây dựng, tôn tạo di tích Nhà lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu: Thêm điểm đến văn hóa trên quê mẹ nhà thơ
Sau gần 9 tháng thi công xây dựng, tôn tạo, công trình di tích Nhà lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu ở thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) đã khánh thành đưa vào sử dụng, góp phần tôn vinh nhà thơ Xuân Diệu gắn với mảnh đất Gò Bồi quê mẹ của ông, tạo thêm điểm đến du lịch văn hóa ở địa phương.
UBND huyện Tuy Phước đã xây dựng Nhà lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu trên nền nhà ông bà ngoại của ông ở thôn Tùng Giản (xã Phước Hòa) và đưa vào hoạt động năm 1995. Đến tháng 7.2010, địa chỉ văn hóa này được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Qua 29 năm đưa vào sử dụng, di tích đã xuống cấp, do vậy huyện Tuy Phước đã xây dựng, tôn tạo lại với tổng vốn đầu tư hơn 9 tỷ đồng.
Di tích Nhà lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu xây mới trên nền nhà cũ và mở rộng diện tích lên 720 m2 với nhiều hạng mục: Nhà lưu niệm diện tích 178,2 m2; nhà chòi diện tích 12,6 m2, tường rào, cổng ngõ, sân nền, hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng, nhà vệ sinh; riêng giếng nước và cây mận có từ thời ông bà ngoại nhà thơ được giữ nguyên...
Theo ông Lê Huỳnh Minh Chánh, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước, sau khi khánh thành di tích Nhà lưu niệm Xuân Diệu vào sáng 15.12, đêm 17.12 Trung tâm sẽ tổ chức biểu diễn chương trình nghệ thuật thơ nhạc “Xuân Diệu - quê hương Tuy Phước”. Sáng 18.12, huyện sẽ tổ chức lễ giỗ nhà thơ Xuân Diệu. Thời gian tới, ngành văn hóa huyện sẽ tham mưu UBND huyện kế hoạch cụ thể để khai thác và phát huy giá trị di tích này.
Người dân địa phương rất phấn khởi khi thấy di tích được xây mới khang trang, cảnh quan đẹp đẽ hơn. Cụ Nguyễn Thị Kiên (85 tuổi) có nhà ở gần di tích, bày tỏ: “Hồi trước nhà lưu niệm cũ cũng thường có khách đến tham quan, bây giờ di tích xây dựng lại khang trang, to đẹp hơn chắc sẽ có thêm nhiều khách đến tham quan hơn. Tôi nghĩ huyện cũng nên tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ tại đây để quảng bá di tích, người dân cảm thấy tự hào về mảnh đất Gò Bồi sinh ra một nhà thơ đa tài”.
Di tích Nhà lưu niệm Xuân Diệu được xây dựng, tôn tạo góp phần tạo thêm điểm đến du lịch văn hóa của huyện Tuy Phước. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Để tạo thêm điểm nhấn trong không gian nhà lưu niệm, ngành văn hóa huyện Tuy Phước phối hợp với Bảo tàng tỉnh ra huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) - quê cha của nhà thơ Xuân Diệu - sưu tầm thêm hiện vật liên quan đến ông để trưng bày tại di tích phục vụ công chúng tham quan, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Ngoài những hiện vật có tại nhà lưu niệm cũ, tháng 6.2024, chúng tôi đã ra huyện Can Lộc sưu tầm thêm nhiều hiện vật giá trị liên quan đến nhà thơ Xuân Diệu, như: Bút tích, hình ảnh, tác phẩm thơ, sách, báo… về trưng bày bổ sung, góp phần làm phong phú thêm không gian nhà lưu niệm để phục vụ du khách đến tham quan di tích”.
Thực hiện Nghị quyết số 33 -NQ/TW ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, những năm qua, huyện Tuy Phước đã tập trung thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích ở địa phương; trong đó, có di tích Nhà lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu - một công trình được xây dựng để tri ân một người tài hoa lỗi lạc gắn với mảnh đất Gò Bồi quê mẹ của ông, góp phần tạo thêm điểm nhấn văn hóa phục vụ du lịch ở địa phương.
Ông Nguyễn Hùng Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, chia sẻ: “Việc xây dựng, tôn tạo di tích Nhà lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của huyện Can Lộc - địa phương kết nghĩa với huyện Tuy Phước. Bởi vậy, di tích này cũng là nơi bồi đắp, gắn kết nghĩa tình giữa hai huyện Tuy Phước và Can Lộc”.
Nhà thơ Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu (1916 - 1985), quê cha ở làng Trảo Nha, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh); ông sinh ra tại quê ngoại ở Gò Bồi, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước.
Xuân Diệu là một trong những nhà thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ mới đầu thế kỷ XX, có nhiều đóng góp to lớn trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam, được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 1996.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN