Một kỳ thi chung quốc gia: Chờ giải pháp kỹ thuật
Một kỳ thi chung quốc gia đạt hai mục đích là xét tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả để đăng ký vào các trường ĐH, CĐ thực hiện trong năm 2015. Phương án thi đã được “đồng lòng nhất trí” của toàn xã hội, nhưng vấn đề là các giải pháp kỹ thuật của kỳ thi như tổ chức thi thế nào, chấm thi ra sao, sử dụng kết quả để xét tuyển như thế nào…? Bộ GD-ĐT chưa đưa ra giải pháp cụ thể để lấy ý kiến.
Tổ chức ra sao?
Đồng tình với kỳ thi chung quốc gia để đạt được 2 mục tiêu: xét tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Thứ nhất, việc chấm điểm thi phải giao các trường ĐH vì như vậy sẽ có sự đồng nhất, khách quan hơn và không bị chi phối bởi các yếu tố khác. Thứ hai, Bộ GD-ĐT nên xác định mức điểm tối thiểu để xét tốt nghiệp hoặc điểm liệt là bao nhiêu? Nên chú ý không có chuyện bù qua xớt lại điểm các môn. Thứ ba, đó là vấn đề in phiếu điểm được giới hạn ở mức nào? Nếu để thí sinh tự do in phiếu điểm thì thí sinh sẽ nộp loạn xạ, không chỉ các ngành trong một trường mà vào rất nhiều trường… thì các trường sẽ không biết tuyển thí sinh như thế nào”.
Ngoài ra, PGS-TS Đỗ Văn Xê cũng băn khoăn: “Ví dụ tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có đến 13 tỉnh thì không thể nào dồn vào một cụm thi là Trường ĐH Cần Thơ. Ngoài Cần Thơ có thể có thêm cụm tại Trường ĐH An Giang hoặc Trường ĐH Đồng Tháp”.
Ở khâu chấm thi, nhiều trường chưa rõ việc chấm thi sẽ thực hiện như thế nào? Ngoài việc chấm theo hướng dẫn thì phần kinh phí cho công tác chấm thi ai chịu trách nhiệm? Do đó, các trường cho rằng cũng cần có sự rạch ròi và minh bạch mức giá chấm bài thi tự luận. Về trả tiền chấm thi do Sở GD-ĐT trả hoặc trường chủ trì cụm thi đó trả hay Bộ GD-ĐT đứng ra chi trả?
Đăng ký thi thế nào?
Theo Bộ GD-ĐT, thí sinh chỉ muốn thi để xét tốt nghiệp THPT thì không cần đăng ký thi ở các cụm thi. Nếu thí sinh muốn thi để xét tốt nghiệp THPT và dùng kết quả xét vào các trường ĐH, CĐ thì đăng ký thi ở các cụm thi. Như vậy, với thí sinh thi để xét tốt nghiệp THPT thì đăng ký ở Sở GD-ĐT. Nếu thí sinh đăng ký thi thêm vào các trường ĐH, CĐ thì làm hồ sơ đăng ký dự thi nộp tại sở hay nộp tại cụm thi. Ngoài ra, mẫu hồ sơ đăng ký dự thi để xét vào các trường theo mẫu hồ sơ nào hay theo mẫu hồ sơ đăng ký dự thi cũ như năm 2014?
Ngoài ra, nhiều trường cũng băn khoăn vì Bộ GD-ĐT chưa đưa ra các phương án sau khi thi. Trong khâu chấm thi sẽ do trường ở các cụm thi chấm hay có sự phối hợp chấm giữa các trường? Như vậy, việc chấm thi một mặt là áp lực lớn với các trường được chọn chủ trì ở các cụm thi, đồng thời chi phí chấm thi cũng do các trường này chịu hay sao? Bên cạnh đó, nếu thí sinh nộp đơn phúc khảo cho các cụm thi hay gửi về Bộ GD-ĐT?
Theo TS Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TPHCM, với quyết tâm cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ chắc chắn sẽ có các giải pháp đưa ra để kỳ thi được suôn sẻ. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT sẽ phải sớm có những hướng dẫn cụ thể thực hiện các yếu tố kỹ thuật như đề thi, tổ chức thi, sử dụng kết quả thi để xét tuyển. Về tổ chức thi và chấm thi, TS Trần Thế Hoàng cho rằng không thể để mỗi cụm một trường lo mà phải có sự chia sẻ và hỗ trợ giữa các trường. Ví dụ, tại cụm thi TPHCM ngoài ĐH Quốc gia TPHCM thì một số trường khác cũng phải hỗ trợ để cùng tham gia tổ chức thi. Về địa điểm thi, Sở GD-ĐT phải tích cực chỉ đạo để các trường trên địa bàn TPHCM tạo điều kiện chứ không để các trường đi thuê mướn địa điểm thi như trước đây. Ở khâu chấm thi, phải có sự phân công và thông báo rõ ràng vì điều này sẽ thuận lợi và dễ dàng ở khâu chấm phúc khảo sau này của thí sinh. Riêng về phần mềm tuyển sinh, TS Hoàng cho biết, Bộ GD-ĐT phải điều chỉnh lại phần mềm để quản lý dữ liệu cũng như việc in kết quả thi cho thí sinh.
Một yếu tố nữa là các chính sách ưu tiên cũng cần phải thông báo rõ ràng để thí sinh, các sở GD-ĐT nắm rõ thực hiện cho đồng nhất. Riêng về điểm ưu tiên theo khu vực, Bộ GD-ĐT cũng cần thống nhất và đưa vào phần mềm để công tác xử lý, kiểm dò và rà soát được thuận lợi. Nếu để hàng loạt quy định, hướng dẫn và mỗi trường làm một kiểu như năm 2014 là cực kỳ rối rắm và thiệt cho thí sinh.
Dư luận rất mong Bộ GD-ĐT công bố dự thảo cùng những giải pháp kỹ thuật cho các trường tham gia đóng góp để đưa ra các giải pháp kỹ thuật tối ưu cho kỳ thi. Tránh tình trạng Bộ GD-ĐT liên tục đưa ra những thông tin không thống nhất, khiến thí sinh cảm thấy hoang mang và các trường rất khó thực hiện.
Theo Thanh Hùng (SGGP)